Các chuyên gia có thể kiểm tra để xác định Co-60 trong nước tiểu, thậm chí ở nồng độ rất thấp, và xác định mức độ tập trung của chúng trong cơ thể người.

Co-60, nguồn phóng xạ bị thất lạc ở Vũng Tàu, là đồng vị phóng xạ nhân tạo của Coban, có thể gây ung thư nếu bị phơi nhiễm. Đây là nguồn phát tia gamma, nên phơi nhiễm bên ngoài với một nguồn lớn Co-60 có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính hoặc tử vong.

fig2a12811428400836gif
Nuclit phóng xạ có thể ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Ảnh minh họa: www-nds.iaea.org

Co-60 trải qua quá trình phân rã phóng xạ với sự phát xạ của hạt beta và tia gamma mạnh, cuối cùng phân rã thành nikel không phóng xạ. Chu kỳ bán rã của Co-60 là 5,27 năm. Đây là thời gian ngắn đủ để tập trung biện pháp xử lý cho các vùng nhiễm phóng xạ. Trong một số trường hợp, một khu vực nhiễm xạ chỉ có thể được sử dụng lại sau 10-20 năm.

Đồng vị phóng xạ nhân tạo của Co có thể được thải ra môi trường qua lỗi rò rỉ hoặc tràn qua nhà máy điện hạt nhân, trong chất thải rắn từ các nhà máy này. Ủy ban Điều phối Hạt nhân Mỹ (NRC) chỉ cho phép thải một lượng Co-60 rất nhỏ ra không khí, hoặc đổ xuống cống rãnh. Chúng có thể có trong văn phòng của bác sĩ, nhưng chỉ khi có thiết bị thí nghiệm đặc biệt.

Tiếp xúc Co-60 như thế nào

Tiếp xúc với Co-60 chủ yếu xuất hiện một cách chủ ý khi kiểm tra y tế hoặc điều trị cần thiết. Các hình thức tiếp xúc này được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh tác động xấu đến sức khỏe và tối đa hóa lợi ích của biện pháp điều trị y tế.

Trong khi đó, phơi nhiễm tình cờ có thể xảy ra khi nguồn phóng xạ bị mất, hoặc quy trình xử lý phóng xạ y tế và công nghiệp không đúng cách. Dù tương đối hiếm, phơi nhiễm cũng xảy ra do sơ xuất trong quá trình quản lý tại cơ sở tái chế kim loại, nhà máy thép.

Khi các nguồn phóng xạ y yế hoặc công nghiệp bị thất lạc hay đánh cắp, chúng được gọi là "nguồn mồ côi". Các nhà khoa học cảnh báo rằng trong một số trường hợp, chúng ta có thể cầm nó trên tay mà không biết đó là gì và vô tình tiếp xúc. Nguồn phóng xạ có vỏ kim loại, do đó dễ lẫn với kim loại phế liệu và không bị phát hiện trong quá trình đưa đến cơ sở tái chế.

Con người có thể hấp thụ thức ăn hoặc nguồn nước chứa Co-60 hoặc hít bụi nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, mối lo ngại chính của Co-60 được đặt ra khi phơi nhiễm bên ngoài với các tia gamma mạnh. Điều này có thể xảy ra nếu tiếp xúc với "nguồn mồ côi", hoặc với chất thải từ lò phản ứng hạt nhân.

GammaKnife22791428400836jpg
Một bác sĩ đang điều chỉnh chiếc mũ của thiết bị Gamma Knife dùng cho xạ trị. Thiết bị Gamma Knife sử dụng Co-60 làm nguồn bức xạ. Ảnh: University of South Carolina Gamma Knife Center

Cách phát hiện, đối phó phơi nhiễm

Nếu được giải phóng xa môi trường, vật liệu phóng xạ có thể gây nguy hiểm cho con người. Theo CNN, các chuyên gia thậm chí coi Co-60 là một trong những "ứng cử viên" để chế tạo bom bẩn. Trong một bài phát biểu năm 2012, giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từng cảnh báo rằng bom bẩn từ Co-60 phát nổ trong một thành phố có thể gây hoảng loạn cũng như thiệt hại về môi trường và kinh tế.

Theo Cơ quan Môi trường Mỹ, để biết rằng mình có ở gần nguồn phóng xạ hay không, cần có thiết bị đặc biệt. Nếu nghi ngờ nhiễm phóng xạ, các chuyên gia có thể kiểm tra để xác định Co-60 trong nước tiểu, thậm chí ở nồng độ rất thấp, và xác định mức độ tập trung của chúng trong cơ thể người.

Kỹ thuật đo toàn thân (whole-body counting) có thể phát hiện bức xạ gamma phát ra từ Co-60 trong cơ thể. Một số biện pháp khác có thể sử dụng như thiết bị cầm tay có chức năng xác định trên da và tóc, công nghệ dò trong mô mềm, máu, xương hoặc phân.

Theo Fox News , bất kỳ người nào tiếp xúc trực tiếp với Co-60 đều có nguy cơ tử vong. Những người người vùng lân cận xung quanh nguồn phóng xạ có thể chịu tác động nhẹ hơn như bỏng da, phồng rộp hay các vấn đề tiêu hóa, nôn mửa, chóng mặt.

"Nếu ai đó tiếp xúc (bên ngoài) với tia gamma, việc điều trị bệnh nhân chỉ là bên ngoài và sẽ không nguy hiểm cho nhân viên y tế hay người chăm sóc. Tuy nhiên, nếu làm vỡ hộp chứa hay tiếp xúc trực tiếp, họ sẽ bị nhiễm xạ", James O'Donnell, chuyên gia y tế hạt nhân tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ, nói.

Hầu hết bệnh viện được trang bị phương pháp đối phó với phơi nhiễm và kỹ thuật hạn chế nguy cơ tiếp xúc cho bác sĩ, nhân viên y tế hay bệnh nhân. Tại bệnh viện, khi máy dò phát hiện bức xạ, quy trình an toàn yêu cầu tạm ngừng mọi hoạt động khác, đặt giấy thấm, che phủ đồ vật bằng tấm chắn phủ chì, cách ly mọi người khỏi khu vực nguy hiểm và tắm cho cho bệnh nhân.

Đối với nguồn phát xạ, lớp vỏ bảo vệ thường được làm bằng vật liệu cứng và có thiết kế chắc chắn, giúp chúng không bị mở hay đục một cách dễ dàng. Tại nhà máy điện hạt nhân Rajasthan, Ấn Độ, các chuyên gia sử dụng cánh tay robot để chạm vào Co-60. Bên ngoài nguồn phóng xạ, họ đặt lớp cửa kính dày gần hai m và phủ chì để ngăn rò rỉ.

Anh Hoàng

Theo vnexpress.net