Ngoài chuyện mưu sinh, ít ai biết được những công việc thầm lặng của đội xe kéo ở Cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị, dù điều kiện kinh tế chưa dư giả, nhưng họ đã nhận đỡ đầu nhiều cháu bé, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, góp phần chống buôn lậu… Sau cuộc điện thoại của Thượng tá Nguyễn Thành Phú, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc, trò chuyện với chị Phạm Thị Lan, Đội trưởng đội xe kéo tự quản ở thị trấn Lao Bảo. Qua đó, chúng tôi cũng hiểu thêm nhiều điều về những công việc thường ngày của các chị, dù bình thường các chị ít chia sẻ cùng ai.

Doi xe keo tu quan hien co khoang hon 100 nguoi hau het la nhung chi em phu nu Van Kieu
Đội xe kéo tự quản hiện có khoảng hơn 100 người, hầu hết là những chị em phụ nữ Vân Kiều

Nhọc nhằn đời nữ kéo xe

Đến cửa khẩu Lao Bảo, chúng ta dễ dàng nhận thấy hình ảnh những chị em phụ nữ kéo xe ba gác chở hàng tại đây. Theo chị Phạm Thị Lan, đội xe kéo tự quản hiện có khoảng hơn 100 người, với 50 chiếc xe. Công việc hàng ngày của các chị là tập trung ở khu vực cửa khẩu, rồi khi có người cần thuê vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Lào, và ngược lại thì đi kéo hàng.

Nguồn thu nhập chưa được dư giả bảo nhiêu, mới chỉ đủ nuôi sống gia đình. Nhưng đổi lại, các chị phải dầm mưa, dãi nắng từ ngày này qua ngày khác. Giữa tiết trời nóng bức tại cửa khẩu vào những ngày tháng Ba nhưng đôi chân các chị vẫn thoăn thoắt, còng lưng để kéo hàng thuê.

Cong viec thuong ngay cua cac chi la cho hang thue tu Viet Nam qua Lao va nguoc lai
Công việc thường ngày của các chị là chở hàng thuê từ Việt Nam qua Lào và ngược lại

Đội xe kéo tự quản quy tụ nhiều chị em phụ nữ Vân Kiều ở các bản Ka Tăng, Ka Túp, thị trấn Lao Bảo. Đôi lúc các nữ "cửu vạn" cũng nhận được sự góp sức của chồng hoặc người thân.

Chia sẻ về công việc của mình, chị Lan nói: “Do cuộc sống khó khăn nên chị em mới chọn công việc nặng nhọc này, mỗi ngày kiếm được từ 100-150 ngàn, không nhiều nhưng cũng hơn hẳn việc lên rừng lấy củi về bán. Trước đây, người nào cần việc thì ra đây đợi, mạnh ai làm nấy. Nhưng sau này thành lập Đội tự quản thì chị em hỗ trợ, giúp đỡ nhau được nhiều hơn. Qua đó, có thể hiểu thêm về cuộc sống của từng người, ai khó khăn thì chị em trong nhóm xúm lại giúp đỡ. Nhờ đó, đời sống gia đình cũng có bước cải thiện hơn trước”.

Du vat va nhung ai cung co gang cham chi lao dong de dam bao cuoc song cho gia dinh
Dù vất vả nhưng ai cũng cố gắng chăm chỉ lao động để đảm bảo cuộc sống cho gia đình

Cũng theo chị Lan, nghề phu xe vất vả và cực nhọc trăm bề, nhất là khi người kéo xe lại là… phụ nữ. Những tai nạn xảy ra trong quá trình lao động không ít, nhẹ thì trầy xước, nặng hơn thì gãy tay chân, lại còn phải đền bù tiền hàng hóa. Chị Lan cho biết, có lần đang xuống dốc, xe hàng nặng quá, mấy chị em tỳ không được. Lần đó, xe hàng đổ, chị bị trầy xước, chân sưng tấy, phải đợi cả tháng sau mới bình phục.

Dù khổ cực, vất vả là thế nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, các chị em trong đội xe kéo vẫn miệt mài làm việc để kiếm miếng cơm cho gia đình.

Những năm gần đây, nhờ nghề kéo xe mà nhiều chị em đã thoát được cảnh nghèo đói. Nhiều chị em có nguồn thu nhập ổn định nên đời sống cũng đỡ vất vả hơn trước. Trong số đó, phải kể đến các chị Hồ Thị Hời, Hồ Thị Hạnh, Hồ Thị Nhung, Hồ Thị Lăng… ngoài việc đảm bảo cuộc sống cho gia đình còn nuôi các con đi học.

Du vat va nhung ai cung co gang cham chi lao dong de dam bao cuoc song cho gia dinh
Hàng ngày các chị em qua lại cửa khẩu nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, chỉ dẫn của lực lượng biên phòng

Chị Nhung cho biết, trước đây không có việc gì làm nên hàng ngày chỉ biết lên rừng lấy củi về bán. Vất vả như thế nhưng thu nhập cũng chỉ được 20-30 ngàn. Từ ngày chị vào đội kéo xe đến nay, ngót nghét đã hơn 10 năm, nguồn thu nhập ổn định hơn nên có điều kiện chu cấp cho con học hành.

Chị Phạm Thị Lan hiện có con đang theo học tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Chị cho biết, thu nhập từ việc kéo hàng đã đủ trang trải các khoản chi phí học hành của con, ngoài ra còn dư dả đôi chút để sắm sửa thêm các vật dụng trong nhà.

Nho nghe keo xe ma mot so chi da thoat duoc canh ngheo doi
Nhờ nghề kéo xe mà một số chị đã thoát được cảnh nghèo đói

Trong công việc, các chị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ dẫn tận tình của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn BP cửa khẩu Lao Bảo. “Nhờ có các anh biên phòng mà công việc của chị em cũng thuận lợi hơn, các chị có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các anh biên phòng luôn thăm hỏi, kịp thời động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nếu cần đều được Đồn giúp đỡ tận tình” – chị Lan chia sẻ.

Đỡ đầu nhiều trẻ em, góp phần chống buôn lậu

Có lẽ, những công việc của các chị trong Đội xe kéo, chỉ có những người lính biên phòng và Hội phụ nữ mới hiểu rõ nhất. Bởi hàng ngày, các chị qua lại, vận chuyển hàng hóa thường xuyên tại cửa khẩu nên đã quen mặt.

Thong qua cong viec ho da nhieu lan giup luc luong chuc nang phat hien buon lau
Thông qua công việc, họ đã nhiều lần giúp lực lượng chức năng phát hiện buôn lậu

Chị Lan cho biết, mỗi tháng các chị em trong đội xe kéo trích từ thu nhập của mình khoảng 20 ngàn để góp vào quỹ. Số tiền này dùng để giúp đỡ các gia cảnh khó khăn, thăm hỏi các chị em bị đau ốm, người thân mất…

Mấy năm gần đây, các chị đã nhận đỡ đầu 3 trẻ sơ sinh, một cháu mất mẹ, còn hai cháu sinh đôi có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tuần, hàng tháng các chị đều đến thăm hỏi, tặng quà cho các cháu. Ngoài ra các chị trong nhóm cũng nhận giúp đỡ 5 hoàn cảnh khó khăn nhất trong Đội tự quản. Mỗi tháng các gia đình này được hỗ trợ 15 kg gạo, bột ngọt và các nhu yếu phẩm cần thiết từ Đội xe kéo. Nhờ đó mà những gia đình này đã vượt qua được khó khăn trước mắt để yên tâm, chăm chỉ lao động.

Thong qua cong viec ho da nhieu lan giup luc luong chuc nang phat hien buon lau
Thong qua cong viec ho da nhieu lan giup luc luong chuc nang phat hien buon lau
Đội nữ xe kéo còn nhận đỡ đầu cho các trẻ em, giúp đỡ các hoàn cảnh kém may mắn như chị Hồ Thị Tuân

Gần đây nhất, các chị đã phối hợp với lực lượng biên phòng, Hội phụ nữ vận động chị Hồ Thị Tuân quay trở về bản sau nhiều năm sống ẩn trong rừng. Ngoài việc giúp chị Tuân dựng nhà ở, hỗ trợ các thứ cần thiết, các chị còn đưa Tuân vào đội xe kéo để hòa nhập với cuộc sống, biết lao động và thân thiện hơn với mọi người.

Chị Lan cho hay, hiện Tuân đã sống hòa đồng hơn, biết chăm sóc lấy bản thân mình và đã biết lao động. Sự trở về của Tuân và việc giúp cô sống ổn định như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của các chị trong đội xe kéo. Hơn hết, đó là tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng giúp nhau trong công việc để thoát khỏi cảnh khó khăn, nghèo đói.

Cong viec cua ho van dien ra binh thuong cho du la ngay le 83
Công việc của họ vẫn diễn ra bình thường, cho dù là ngày  lễ 8/3

Mỗi tháng, Hội phụ nữ tổ chức một cuộc gặp có sự tham gia của lực lượng biên phòng với các chị trong đội kéo xe để phổ biến tình hình, cảnh giác với các hoạt động buôn lậu và đề cao công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới.

Ngày 8/3 năm nay, các chị có dịp nghỉ ngơi để tổ chức tọa đàm, văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao. Các chị xem đó là món quà tự thưởng cho chính mình, bù lại những tháng ngày lao động vất vả, cực nhọc.

Đăng Đức

Theo dantri.com.vn
Từ khóa tìm kiếm: nhung cong viec, khau lao bao, da nhan do dau, do dau nhieu, giup do cac hoan canh, hoan canh kho khan, gop phan chong buon lau, lao bao chung, chi pham thi lan doi, doi xe keo tu quan, thi tran lao bao, lao bao qua,