Bo truong Nguyen Quan Khoa hoc Cong nghe
Bộ trưởng Nguyễn Quân

Buổi sáng tháng 8 tiết trời chớm chuyển thu. Trước mặt tôi là Bộ trưởng Bộ Khoa họcCông nghệ Nguyễn Quân, bình dị trong chiếc áo sơmi Việt Tiến, tay đeo đồng hồ dây da không có vẻ gì là “hi-tech”. Ông tiếp đoàn Hội thông tin Khoa học Công nghệ VN, do chủ tịch Nguyễn Văn Lạng dẫn đầu.


Tôi sợ người dân không biết Việt Nam có cái bộ tên Khoa học – Công nghệ

“Cảm ơn Hội đã chủ động đề xuất làm việc với Bộ KH-CN. Thực tế Bộ rất cần Hội chung tay trong nhiều lĩnh vực” – Bộ trưởng Quân bắt đầu, sau khi đi hết lượt bắt tay từng thành viên trong đoàn, kể cả anh nhân viên IT.

“Công tác truyền thông của Bộ kém quá nên nhiều người không có thông tin đầy đủ về khoa học, công nghệ. Có hôm tôi phải xin anh Sinh Hùng (Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội) cho mình có cơ hội được trả lời chất vấn”.

Thường thì trong các phiên họp chất vấn, đại biểu quốc hội thường nhắm vào các bộ “gai góc” như Giao thông Vận tải, Giáo dục, Tư pháp,… Nhiều bộ “được” các đại biểu quốc hội đòi “ưu tiên” chất vấn, đôi khi cũng thoát, nhưng đa phần là khi phải đối đầu với các phiên chất vấn thì lo cũng không phải là ít.

Nhưng với ông Nguyễn Quân thì khác:

“Riêng Bộ KH-CN thì tôi rất muốn được trả lời chất vấn, được truyền hình trực tiếp đến mọi người, để người dân Việt Nam còn biết nước mình có một cái Bộ tên là Khoa học – Công nghệ. Nếu không thì người ta lại cứ hiểu lầm là mấy ông làm khoa học này suốt ngày chỉ làm nghiên cứu, làm đề tài mãi…”.

Ai đăng ký thương hiệu thì nhanh đi, vào TPP kiện tụng là thua đấy

“TPP thực sự là thách thức, nhưng điều đáng lo là phần đông chúng ta chưa hiểu và vẫn rất ỷ lại” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định. “Các hiệp định trước chủ yếu là chính trị, chủ yếu là thỏa thuận các nguyên tắc. Nhưng vào TPP lần này không phải chỉ là nguyên tắc mà là chơi thật. Mỹ và EU nói vào TPP Việt Nam sẽ có lợi vì hàng Việt Nam sẽ vào được thị trường của họ”

Tuy nhiên, theo ông Quân, điều mà cả Mỹ và EU không đề cập đến hoặc muốn tránh không nói là hàng hóa của họ cũng sẽ vào được thị trường Việt Nam.

“Vào TPP sẽ khác nhiều đấy. Từ trước đến giờ ngân hàng chết, doanh nghiệp chết đều được nhà nước ra tay cứu cả. Cứ vì thế nên nhiều doanh nghiệp ỷ lại, không chuẩn bị trong khi bây giờ chỉ còn 2,5 năm nữa phải thực thi toàn bộ những qui định khi hội nhập TPP” – Bộ trưởng nói, và ông quan ngại:

“Sở hữu trí tuệ chúng ta vẫn còn sơ sài lắm. Việc này Bộ KH-CN chỉ làm ở khâu xác thực, còn khâu lo đăng ký thì các cá nhân và doanh nghiệp phải làm. Việc này rất quan trọng. Sắp tới các doanh nghiệp nước ngoài vào thì doanh nghiệp Việt Nam phải lo tự mà bảo vệ”.

Ông Quân cho rằng Việt Nam “chưa hề có kinh nghiệm xử các vụ kiện về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Và nếu xảy ra vụ kiện với doanh nghiệp nước ngoài thì doanh nghiệp Việt Nam xem như ôm chắc phần thua.

“Vì thế những ai chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì đăng ký nhanh đi, để kiện nhau với doanh nghiệp nước ngoài là thua đấy”

“Vì cả Việt Nam chỉ có vài người giám sát quyền sở hữu trí tuệ. Và theo tôi biết thì cũng chưa có một luật sư Việt Nam nào được đào tạo để cãi trong các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mà nếu tòa ở Việt Nam không xử được, các doanh nghiệp nước ngoài đưa vụ kiện ra nước ngoài thì xem như mình thua chắc” – ông Nguyễn Quân khuyến cáo.

Vào TPP mà cứ nhập máy cũ thì hàng hóa làm sao cạnh tranh được

“ Mình vào TPP rồi, hàng rào thuế quan bị bỏ, liệu hàng Việt Nam có cạnh tranh được hay không?” – ông Nguyễn Quân tự đặt câu hỏi. “Bây giờ doanh nghiệp VN không chuẩn bị thì sẽ không tồn tại được. Bây giờ chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh để doanh nghiệp trong nước nhận thức được để chuẩn bị”.

Theo ông Quân, doanh nghiệp trong nước ngày xưa sản xuất hàng kém chất lượng, người tiêu dùng VN vẫn phải sử dụng vì không có nhiều chọn lựa. Giờ hàng nước ngoài tràn vào, chắc chắn hàng VN sẽ có cạnh tranh. Do đó, hàng hóa VN cũng cần phải theo chuẩn quốc tế chứ nếu không sẽ không bán được.

Để cạnh tranh với hàng nước ngoài, chỉ có cách là doanh nghiệp VN phải nâng cao công nghệ.

Nâng cao công nghệ mà cứ sử dụng máy móc cũ, 10 – 20 năm thì làm thế nào cạnh tranh được.

“Khi Bộ KH-CN đưa ra thông tư 20 nhằm hạn chế nhập khẩu thiết bị đã cũ, doanh nghiệp nước ngoài tại VN giãy nảy lên, phản ứng đến cả thủ tướng. Chúng tôi phải thuyết phục thủ tướng rằng máy móc từ 20-30 năm trước thì không thể làm ra sản phẩm cạnh tranh được (so với máy mới, công nghệ mới – PV)” – ông Nguyễn Quân cho hay.

“Tôi đăng ký mục dân hỏi bộ trưởng trả lời để nói rằng vào TPP mà dùng máy 20 – 30 năm tuổi là chết. Chỉ cũ 10 năm thôi cũng đã chết chứ đừng nói đến 20 – 30 năm”.

“Chúng tôi đang cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu về công nghệ, hiểu rõ hơn những thỏa thuận về TPP để có thể chuẩn bị tốt nhất khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ”.

Lê Huỳnh Lê

Theo Motthegioi.vn