“Có hay không việc phí chồng phí khi người dân đang vừa phải nộp phí sử dụng đường bộ lại vừa phải nộp phí khi đi qua các trạm thu phí?”.
Đó là câu hỏi được người dân gửi tới Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" tối 28.6 trên kênh VTV1.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" tối 28.6.
- Một câu hỏi không mới, song một số người dân vẫn muốn đặt trực diện với Bộ trưởng là có hay không việc phí chồng phí khi người dân đang vừa phải nộp phí sử dụng đường bộ lại vừa phải nộp phí khi đi qua các trạm thu phí BOT (thu phí theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao)?
Theo quy định của Luật Đường bộ và các văn bản hướng dẫn thì phí bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện dùng để bảo trì cho quốc lộ, đường địa phương do ngân sách nhà nước đầu tư. Còn phí thu qua trạm BOT dùng để hoàn vốn và bảo trì toàn bộ phần đường thuộc dự án BOT đó.
Mỗi một loại phí thì có phương thức, nội dung và mục đích sử dụng khác nhau, do đó không thể có chuyện phí chồng phí được.
- Có nghĩa là theo quy định của luật pháp thì mình hoàn toàn có thể thu 2 loại phí này?
Hoàn toàn được quyền.
- Nhưng người dân vẫn băn khoăn là Quỹ bảo trì đường bộ đã hết hay chưa mà lại phải thu thêm phí bằng các trạm BOT?
Quỹ bảo trì đường bộ thu trên đầu phương tiện chiếm khoảng 25%. Ngân sách nhà nước bù mỗi năm khoảng 25%. Như vậy, hằng năm quỹ bảo trì vẫn còn thiếu khoảng 50% kinh phí.
Phí thu qua trạm BOT không phải để bù cho phần thiếu của Quỹ bảo trì đường bộ, mà để hoàn vốn cho nhà đầu tư, để bảo trì phần đường thuộc dự án BOT.
- Một người dân chia sẻ: "Tôi thấy ở Quảng Bình đang xây dựng một trạm thu phí mới. Trong khi cách đó chưa đầy 20km có trạm thu phí Đèo Ngang rồi. Tôi được biết theo chủ trương của Chính phủ thì Bộ GTVT đang xử lý theo hướng bỏ các trạm thu phí có khoảng cách dưới 70km. Tuy nhiên, các trạm cũ chưa dẹp bỏ thì trạm mới đã mọc lên. Xin hỏi Bộ trưởng, tại sao lại có tình trạng như vậy? "
Trước hết, phải khẳng định rằng các trạm thu phí phải được đặt theo đúng quy định của luật. Các trạm thu phí trên quốc lộ thì phải được sự thoả thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố. Còn đối với các trạm thu phí đặt trên đường địa phương thì do HĐND địa phương đó quyết định.
Tuy nhiên, hiện có sự thay đổi chính sách nên một số trạm thu phí đặt trước đây, do lịch sử để lại cần phải có thay đổi. Hiện Bộ GTVT đang rà soát và sẽ xoá bỏ một số trạm thu phí chưa phù hợp. Đối với trạm Đèo Ngang, hiện chúng tôi đang đàm phán với nhà đầu tư để cố gắng đến đầu năm 2016 dẹp bỏ để đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước.
- Thưa Bộ trưởng, mỗi con đường cao tốc được xây dựng theo hình thức BOT thường tốn nhiều nghìn tỷ đồng nên phí sử dụng đường mà người dân phải đóng là không nhỏ, đơn cử như phí cao tốc Nội Bài – Lào Cai có thể lên tới 1,2 triệu đồng. Xin hỏi Bộ trưởng, khi thu mức phí cao như vậy thì Bộ GTVT có chứng minh được các hiệu quả cụ thể mà các cao tốc này mang lại cho người dân hay không?
Mỗi dự án, đều phải tính toán đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như hiệu quả tài chính của dự án. Thực tế, khi dự án đưa vào khai thác, thời gian đi từ Hà Nội lên Lào Cai đã rút ngắn còn một nửa. Chi phí xăng dầu, khấu hao, sửa chữa giảm tới 30%. Hiện nay, các xe tải, xe không cần bám sát đường cũ nữa thì đều đi trên đường cao tốc.
- Một cựu chiến binh viết: "Tôi nghe nói Bộ GTVT đang trình Chính phủ chủ trương được bán sân bay Phú Quốc. Việc bán một công trình giao thông chiến lược như sân bay cho tư nhân là điều chưa từng có tiền lệ ở nước ta từ trước đến giờ. Tôi rất băn khoăn là bán cho tư nhân thì có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng hay không?"
Trước tiên, tôi xin được nói lại là đây không phải là “bán” sân bay Phú Quốc mà là hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định trong luật. Bởi vì chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không và quyền sở hữu cảng, đất không chuyển cho các nhà đầu tư. Việc chuyển này phải đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết cấu hạ tầng hàng không.
Đây là hình thức được nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới áp dụng nhiều trong lĩnh vực hàng không, nhưng đối với nước ta là việc mới. Do đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phép làm thí điểm.
- Cũng liên quan đến sân bay Phú Quốc, một thương nhân thường xuyên bay tuyến Hà Nội đi Phú Quốc băn khoăn nếu sân bay này được chuyển giao cho tư nhân quản lý thì liệu họ có tự ý nâng giá dịch vụ với các hãng hàng không, để rồi các hãng hàng không lại tăng giá vé với các hành khách hay không?
Toàn bộ giá cả là Nhà nước quản lý theo quy định của Bộ Tài chính, theo khung giá cả dịch vụ hàng không và phi hàng không. Nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác cảng hàng không trong một thời gian nhất định rồi chuyển trả lại Nhà nước. Giá cả thì phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính chứ không được nâng giá.
Tóm lại, việc chuyển nhượng này không dẫn đến độc quyền, không dẫn đến khả năng một nhà đầu tư có thể chi phối giá cả dịch vụ hàng không và phi hàng không.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.
- Một cán bộ hưu trí ở Thừa Thiên - Huế muốn hỏi Bộ trưởng về dự án BOT quốc lộ 1 qua Thừa Thiên - Huế vừa làm xong đã bị hằn lún, và nghe nói ở một số nơi khác cũng có tình trạng tương tự như vậy. Xin hỏi thêm Bộ trưởng, việc hằn lún này có phải do nhà đầu tư và nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhà đầu tư, nhà thầu không ai muốn để xảy ra hằn lún cả. Bởi thời hạn bảo hành trước đây là 1 – 2 năm, giờ là 4 năm. Để xảy ra hằn lún, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ phải bỏ tiền ra để sửa chữa. Hơn nữa, khi xảy ra hằn lún, nhà đầu tư sẽ không được thu phí nên sẽ ảnh hưởng đến nhà thầu, chủ đầu tư. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi tập trung rà soát lại quy chuẩn, quy phạm về thiết kế; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật liệu; kiểm soát tải trọng xe… để hạn chế thấp nhất hiện tượng hằn lún.
Xem clip Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" tối 28.6:
Theo Dương Tùng (ghi) (Danviet.vn)
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo