Các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ đang đẩy chính quyền Tổng thống Barack Obama vào tình thế phải lựa chọn cách đáp trả mà không khiến căng thẳng gia tăng.


Hinh anh: Tong thong My Barack Obama trong mot chuyen tham Trung tam Tich hop Vien thong va An ninh mang Quoc gia o Arlington bang Virginia My Anh NYTimes
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một chuyến thăm Trung tâm Tích hợp Viễn thông và An ninh mạng Quốc gia ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: NYTimes

Thông tin về vụ tấn công vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và đánh cắp hàng nghìn email nhằm thao túng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đang đặt Nhà Trắng trước thách thức phải tìm ra phương thức trả đũa hiệu quả với tin tặc.

Theo New York Times , một số chuyên gia an ninh mạng tư nhân nói rằng họ "có niềm tin mãnh liệt" rằng Nga phải chịu trách nhiệm với vụ tấn công mạng trên. Theo bình luận viên David E. Sanger, ngay cả khi nhận định trên là chính xác, Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa ra được hành động đáp trả rõ ràng để răn đe nhưng không gây leo thang căng thẳng với Nga.

Hành vi phá hoại nguy hiểm

Sau khi tin tặc đột nhập vào hệ thống máy chủ của DNC, đánh cắp nhiều email và công bố nội dung của chúng, cho thấy DNC đã thiên vị ứng cử viên Hillary Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước đối thủ cùng đảng Bernie Sanders, chủ tịch của DNC đã buộc phải từ chức. Vụ rò rỉ thông tin này được coi là một đòn giáng vào uy tín của bà Clinton trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ.

Tối 29/7, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John O. Brennan cho rằng việc công bố các tài liệu đánh cắp được bằng tấn công mạng nhằm tác động đến một cuộc bầu cử là hành vi phá hoại ở cấp độ mới, khác xa với những hoạt động tình báo bình thường.

"Khi tìm ra ai chịu trách nhiệm cho vụ việc này, những cuộc họp ở các cấp cao nhất của chính phủ sẽ được tiến hành để xác định chuỗi hành động hợp lý", ông Brennan nói.

Giới quan sát đánh giá những vụ tấn công mạng liên quan đến tin tặc Nga rất nan giải và dai dẳng. Chỉ 4 tháng sau khi nhậm chức hồi năm 2009, Tổng thống Obama và các cố vấn an ninh quốc gia đã nhận được cảnh báo từ các cơ quan tình báo Mỹ rằng trong số các nước nhắm vào mạng lưới máy tính Mỹ, Nga "sở hữu một chương trình mạnh mẽ và lâu đời hơn cả".

Thời điểm đó, ông Obama đã xuống tận Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để giám sát một chiến dịch tấn công mạng phối hợp giữa Mỹ và Israel nhằm vô hiệu hóa hệ thống máy ly tâm hạt nhân của Iran. Ông bày tỏ lo ngại với các trợ lý rằng chiến dịch này sẽ càng làm leo thang những cuộc tấn công mạng cũng như hành động trả đũa.

Mối lo âu này sau đó được chứng minh khi Iran bị coi là thủ phạm thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Arab Saudi, tin tặc Nga bị cáo buộc tấn công gây tê liệt mạng lưới điện ở Ukraine, trong khi Triều Tiên cũng bị nghi tấn công mạng nhằm vào Hàn Quốc. Danh sách các vụ tấn công mạng tiếp tục được kéo dài theo thời gian.

Liên quan đến vụ đột nhập lấy cắp email từ DNC, hai quan chức chính quyền cấp cao Mỹ đã đề xuất nhiều phương án phản ứng, từ tấn công mạng trả đũa Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cục Tình báo Quân đội Nga (GRU), đến những biện pháp trừng phạt kinh tế, đi lại...

FSB và GRU là hai cơ quan tình báo lớn thuộc Nga đang bị Mỹ nghi ngờ đạo diễn cuộc tấn công vào hệ thống mạng máy tính của DNC.

Chiều 30/7, cũng tại Diễn đàn An ninh Aspen, Lisa O. Monaco, cố vấn an ninh nội địa cho Tổng thống Obama né tránh thảo thuận chi tiết về vụ tấn công mạng nhằm vào DNC, song ghi nhận chính quyền có thể sớm xem xét liệu hệ thống bầu cử Mỹ có cấu thành "cơ sở hạ tầng quan trọng" giống như mạng lưới điện hoặc mạng di động hay không.

"Tôi cho rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi nó liên quan đến hành động đe dọa, phá hoại và thao túng dữ liệu", bà Monaco nhận định và thêm rằng bất cứ khi nào suy tính trả đũa, Mỹ cần lưu ý đến nguy cơ leo thang căng thẳng và hiểu nhầm. Nhưng bà cũng khẳng định nếu một sự việc đủ nghiêm trọng, Mỹ "phải tỏ rõ rằng chúng ta sẽ phản ứng".

Trả giá nếu không hành động

Theo bình luận viên Sanger, cái giá của việc không hành động trước vụ tấn công mạng máy tính DNC có thể rất đắt. Nguy cơ bị phá hoại có thể không ngừng gia tăng bởi Mỹ cùng rất nhiều nước ngày nay phụ thuộc nhiều vào hệ thống bầu cử điện tử.

Sanger cho rằng đối với Obama, vị tổng thống đã nỗ lực mạnh mẽ để báo động nguy cơ tấn công mạng và xây dựng Bộ Chỉ huy Mạng Mỹ, vấn đề an ninh mạng mang nặng màu sắc chính trị.

Tuần trước, ông Adam B. Schiff và Dianne Feinstein, hai nghị sĩ đảng Dân chủ chuyên trách các vấn đề tình báo, còn gửi thư cho Tổng thống Obama, hối thúc ông công bố đánh giá tình báo về vụ tấn công mạng máy tính của DNC.

Theo  New York Times , ông Obama thường nói vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ. Đến nay, chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an minh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ chuẩn mực còn mang tính chắp vá nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng.

"Tôi nghĩ chính quyền cần phải có chứng cứ chắc chắn để thuyết phục người dân Mỹ rằng đây là vấn đề chính sách, không phải chính trị. Đây là vấn đề bảo vệ quy trình hiến pháp, không phải một đảng", Jason Healey, học giả nghiên cứu về xung đột mạng giữa các quốc gia thuộc Đại học Columbia, Mỹ, nhận xét.

Donald Trump gặp họa vì mời tình báo Nga tấn công đối thủ

Hồng Vân

Blogsudo (theo vnexpress.net)