Đổ ra hàng trăm triệu USD nhưng dường như các tỷ phú người Thái vẫn chưa dừng tìm kiếm cơ hội thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam. Cuộc tổng tấn công vào một thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực Đông Nam Á dường như mới ở giai đoạn bắt đầu.
Găm sẵn tỷ đô
Ngay những ngày đầu năm mới Bính Thân, một số nguồn tin nước ngoài cho biết, tập đoàn TTC của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã quyết định bỏ ra 3,5 tỷ USD để mua chuỗi siêu thị Big C tại Thái từ tập đoàn Casino Group của Pháp.
Big C là thương hiệu có chuỗi siêu thị lớn hàng đầu tại Thái Lan và Việt Nam.
Cho tới thời điểm hiện tại, thương vụ vẫn chưa hoàn tất. Tuy nhiên, theo phân tích từ nhiều chuyên gia trong khu vực, trong đó có các chuyên gia đến từ CTCK Maybank Kim Eng, dự án gần như đã hoàn thành.
“Nhìn vào thỏa thuận các bên đã ký kết, có thể thấy, thương vụ gần như đã xong xuôi. Tôi không nghĩ sẽ có sự thay đổi nào”, Suttatip Perasub, một chuyên gia của CTCK này, chia sẻ trên Reuters .
Không chỉ mua lại chuỗi siêu thị từ tay người Pháp, TCC cũng đã có mặt trong danh sách các ông lớn muốn mua Big C Việt Nam, với mức giá được Bloomberg đánh giá lên tới 800-900 triệu USD.
Trong vụ thâu tóm Big C tại Thái Lan, TCC phải đối mặt với một tập đoàn bán lẻ lớn - tập đoàn Central Group của gia đình Chirathivat. Tuy nhiên, chiến thắng đã thuộc về tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Còn trong cuộc đua thâu tóm BigC tại Việt Nam, TTC được đánh giá có lợi thế hơn các đối thủ khác: tập đoàn Dairy Farm của Singapore, Lotte Shopping của Hàn Quốc và AEON của Nhật.
Việc hệ thống Big C Việt Nam được chuyển nhượng cho đối tác nào và khi nào là phụ thuộc vào quyết định của Casino và các NĐT có nhu cầu mua. Nhưng khả năng TCC thâu tóm hệ thống Big C tại Việt Nam là khá cao. Trước đó, tập đoàn này cũng đã tấn công dồn dập vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Hồi đầu tháng 1/2016, Tập đoàn TCC của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 đại siêu thị và các bất động sản liên quan với tổng trị giá 655 triệu Euro.
Trong kế hoạch phát triển của mình, TTC muốn mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, bởi ngoài hệ thống bán sỉ Metro, chưa có sự hiện diện của TTC trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.
Trước đó, nhiều tập đoàn Thái cũng ồ ạt đổ bổ vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực bước sang một giai đoạn mới, hướng tới một khối thống nhất về kinh tế, mọi DN có cơ hội bình đẳng và sân chơi chung.
Cuộc chiến bán lẻ: người Thái làm ăn bài bản
Không phải đến bây giờ người Thái mới tiếp cận thị trường Việt Nam. Hơn chục năm qua, người Thái đều đặn tổ chức hội chợ hàng Thái được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, trước thì 2 lần một năm, giờ đã lên 4 lần.
Không chỉ bền bỉ đưa hàng vào Việt Nam, đánh chiếm cảm tình của người tiêu dùng Việt, người Thái đang tổng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc thống trị các kênh phân phối trong nước.
Trong 4-5 năm gần đây, làn sóng đầu tư của DN Thái vào Việt Nam trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Hàng loạt các thương vụ ngàn tỷ đã được đổ vào để mua cổ phần các DN trong nước gây lên những cơn chấn động lớn.
Hồi đầu năm 2015, Power Buy - một thành viên thuộc tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Chirathivat đã hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần tại Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu CTCP Thương mại Nguyễn Kim (chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim) nhằm mở rộng hoạt hoạt động bán lẻ điện máy tại Việt Nam.
Từ cuối 2015, tập đoàn Central của Thái đã phát triển thương hiệu bán lẻ Robinson tại Hà Nội và TP.HCM. Central Group có lịch sử phát triển gần 90 năm và hiện là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á.
BJC trước đó cũng đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group, một DN khá nổi tiếng trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2013, BJC đã mua lại cổ phần của đối tác Nhật trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'smart với tổng cộng 94 cửa hàng trên khắp cả nước.
Central Group cũng đã có một thời gian dài đàm phán bắt tay với hệ thống Siêu thị điện máy Pico của Việt Nam. Tin đồn Central mua 49% cổ phần Pico rộ lên hồi giữa năm 2015 nhưng thương vụ này cuối cùng đã không có kết quả.
Một quỹ đầu tư của Thái cũng đã trở thành cổ dông của SVC, một DN kinh doanh ô tô, xe gắn máy của Việt Nam và có cổ phiếu niêm yết trên TTCK.
Tại Vinamilk, DN sữa lớn nhất và có hệ thống phân phối rộng lớn khắp các tỉnh thành tại Việt Nam từ lâu cũng đã có cổ đông ngoại lớn nhất là của người Thái. Đó là F&N, một DN thuộc TTC của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.
Từ sự hiện diện trong vai trò ông chủ của người Thái tại nhiều hệ thống phân phối, có thể dễ dàng nhận thấy cơ hội cho hàng Việt vào các chuỗi siêu thị này sẽ ít đi. Người Thái chủ động buôn bán theo chuỗi sẽ có sức cạnh tranh cao hơn so với trước kia.
Sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với thuế suất hàng hóa về 0% là cơ sở tốt để hàng Thái thâm nhập sâu rộng hơn tại Việt Nam. Sức tiêu thụ hàng Thái vốn đã tốt, tương lai sẽ tốt hơn, và có thể áp đảo hàng Việt ngay trên thị trường trong nước.
M. Hà
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo