Vấn đề giáo dục giới tính, nạo phá thai và chính sách dân số của Việt Nam được phân tích trong một bài viết đăng trên tờ Economist . Dưới đây là nguyên văn bài viết.
Những bông hoa nhựa màu sắc rực rỡ được bày trên bàn lễ tân ở phòng phá thai của bác sĩ Nguyễn Tố Hảo, nhưng không khí trong phòng đợi thì khá ảm đạm. Bà Hảo – một bác sĩ sản khoa nói rằng nhiều bệnh nhân của bà vẫn ở tuổi vị thành niên và kiến thức về tình dục của các em đơn sơ đến giật mình.
Một số cô gái trẻ có thai to được đưa tới một bệnh viện gần đó để bỏ thai. Một số khác thì đợi đến ngày sinh, sau đó bỏ con lại trong các ngôi chùa nhờ các sư chăm sóc.
Có thai ngoài ý muốn có thể được hạn chế nếu như Việt Nam dạy giáo dục giới tính trong nhà trường. Người Việt Nam có một câu ngạn ngữ nói rằng tránh đề cập tới tình dục là cách tốt nhất để “tránh vẽ đường cho hươu chạy”. Thế nhưng, hươu thì “vẫn cứ chạy” – bác sĩ Hảo khẳng định.
Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam không có con số chính xác, nhưng được cho là một trong những quốc gia có tỷ lệ lớn nhất thế giới. Theo các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Phụ sản trung ương ở Hà Nội, 2/5 thai kỳ ở Việt Nam bị phá bỏ - gấp đôi con số mà Chính phủ đưa ra.
Sự thiếu hiểu biết về tình dục và các biện pháp tránh thai là nguyên nhân chủ yếu. Một số phụ nữ từng phá thai chưa bao giờ có ý định mang thai. Một số khác thì chỉ muốn có con trai để nối dõi và phụng dưỡng cha mẹ. Kể từ năm 2003, phá thai để chọn lựa giới tính là bất hợp pháp ở Việt Nam, nhưng lệnh cấm này rất khó thực thi. Kỹ thuật siêu âm thai đã quá phổ biến. Chị Nguyễn Thị Hiền – một bà mẹ 2 con ở Hà Nội cho biết, chỉ cần khoảng 1,5 triệu đồng, bác sĩ ở các phòng khám tư ở Hà Nội đều vui lòng cho bạn biết giới tính của thai nhi.
Vì thế, cứ 100 bé gái thì có 111 bé trai được sinh ra ở Việt Nam – theo Qũy Dân số của Liên Hiệp Quốc – một tỷ lệ giới tính gần như mất cân đối giống như nước láng giềng Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại rằng sự mất cân bằng giới tính này sẽ khiến một thế hệ đàn ông Việt Nam khó lấy vợ. Và hậu quả giống như ở những quốc gia có nhiều đàn ông độc thân là nạn buôn người và mại dâm nở rộ, hiếp dâm và nguy cơ bất ổn chính trị cũng tăng cao.
Các chính sách về sinh sản và nhân khẩu của Việt Nam cũng đang thay đổi liên tục. Quyết định mới đây của Trung Quốc trong việc nới lỏng chính sách một con có thể là lời nhắc nhở Việt Nam nên xem xét lại chính sách 2 con (còn lỏng lẻo hơn) của mình – một cựu quan chức ở Bộ Y tế nhận định. Bộ này hiện đang trưng cầu ý kiến dư luận để sửa đổi luật này và Quốc hội có thể sẽ xét duyệt vào mùa xuân năm nay.
2/3 trong số 90 triệu dân Việt Nam – một con số khổng lồ - đang ở tuổi lao động. Điều này mang đến cho Việt Nam cơ hội bùng nổ kinh tế trong 3 thập kỷ tới. Tuy nhiên, “dân số vàng” sau đó có thể dừng đột ngột. Tỷ lệ sinh ở một số thành phố đã giảm đáng kể - một xu hướng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động giống như Nhật Bản và các quốc gia giàu có khác đang trải qua. Sự khác biệt duy nhất ở Việt Nam là dân số nước này đang có nguy cơ già đi trước khi giàu lên.
Luật dân số mới nhiều khả năng sẽ không giúp ích gì. Luật này đề xuất bỏ chính sách 2 con và cấm phá thai sau 12 tuần tuổi, trong khi giới hạn hiện tại là 22 tuần, ngoại trừ trường hợp bị hãm hiếp. Điều này thậm chí có thể khiến các bà bầu bước chân vào các cơ sở phá thai tư nhân nhiều hơn. Hồi tháng 9 năm ngoái, 17 chuyên gia y tế đã gửi một bức thư than phiền về dự luật mới với Bộ Y tế. Áp lực này có thể khiến Chính phủ nới lỏng giới hạn 12 tuần tuổi thai được phép nạo phá.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dân số đang được Bộ này nghiên cứu lại có một vấn đề đáng lo khác: “chất lượng dân số” trước sinh. Nghe thì có vẻ vô hại, nhưng theo một chuyên gia về chính sách y tế người nước ngoài hiện đang sinh sống ở Hà Nội thì chính sách này có thể hiểu rằng các cán bộ y tế có thể khuyến khích các bà mẹ phá bỏ những thai nhi có dấu hiệu khuyết tật.
Một số quan chức của Bộ Y tế cũng đề xuất nới lỏng chính sách 2 con ở các thành phố, trong khi vẫn thực thi chính sách này ở vùng nông thôn – tức là khuyến khích những người có kinh tế và giáo dục tốt hơn sinh thêm con, trong khi những người nghèo, học vấn thấp – trong đó có cả người dân tộc thiếu số - thì không nhận được quyền này. Điều này cũng có thể được hiểu là những quan chức phụ trách chính sách 2 con nếu đẻ thêm vẫn giữ được công việc của mình, tuy nhiên ý tưởng này là không công bằng và cần phải được bác bỏ.
Nguyễn Thảo (Theo Economist)
Sudo theo Economist
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo