Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng bay Hồ Chí Minh (FIR) mà không thông báo cho không lưu Việt Nam.


Trao đổi với báo chí chiều 8/1, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng bay Hồ Chí Minh (FIR). Riêng sáng 8/1 có 4 chuyến bay (2 chuyến bay vào, 2 chuyến bay ra) mà không thông báo để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Cục Hàng không xác định, các máy bay này đã vi phạm quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay như không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.

hangchucchuyenbaytrungquocxamphamvungkiemsoatcuavietnam
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (vòng xanh) nằm sát khu vực quần đảo Trường Sa.

Theo ông Thanh, khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động những ngày qua có các đường bay quốc tế mà các quốc gia và ICAO thoả thuận thông thương ở khu vực biển Đông. Những đường bay ở đây có mật độ cao nên việc máy bay lạ xâm nhập đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực.

Theo quy định của ICAO, máy bay bay trong vùng trời có kiểm soát của Việt Nam phải gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam. Khi thực hiện chuyến bay, hãng phải có liên lạc với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để được nhận thông tin liên quan.

Ngày 7/1, Cục hàng không Việt Nam đã có thư thông báo về máy bay lạ xâm nhập vùng FIR Hồ Chí Minh cho Văn phòng ICAO ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Bangkok để đề nghị ICAO có biện pháp giải quyết nhưng hiện chưa nhận được phản hồi. Cục Hàng không sẽ có thông báo cho các quốc gia lân cận cùng phối hợp, phản đối hoạt động bay uy hiếp an toàn hàng không.

Ngày 6/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này tiếp tục cho phép 2 máy bay đáp xuống đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc ra đá Chữ Thập diễn ra vào ngày 2/1.

Sau vụ việc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối. "Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói.

Đoàn Loan

Sudo theo vnexpress.net