Làm ăn kinh tế là tốt nhưng có ai biết bệnh tật xuất phát khi chúng ta làm không đúng cách? Từ đầu năm đến nay có 281 nông dân trồng hành tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, bị mù mắt, 60% người trên 60 tuổi.


Tỉnh Sóc Trăng có hàng nghìn hộ gia đình sống bằng nghề trồng hành tím. Thị xã Vĩnh Châu được mệnh danh là "thủ phủ" hành lớn nhất cả nước với diện tích canh tác khoảng 6.000 đến 7.000 ha, cho sản lượng từ 120.000 đến 130.000 tấn củ.

Thời gian qua nhiều nông dân trồng hành bỗng nhiên bị các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh giác mạc. Hàng trăm trường hợp mù lòa tự phát, một số gia đình từ 2 đến 3 người mắc bệnh. Trung tâm Y tế thị xã Vĩnh Châu từ năm 2000 đến nay đã có 3 cuộc khảo sát để tìm nguyên nhân mù lòa tại các xã trồng hành tím. Năm 2002 tỷ lệ mù chiếm 0,9% trên khoảng 175 nghìn dân. Năm 2006 là 0,36%. Năm 2013, tỷ lệ 0,34%.

Bà Lý Thị Hiên, 58 tuổi ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, cho biết mắt không nhìn thấy gì từ hơn 2 năm nay. Trước đó làm công việc bóc hành tím, bụi bắn vào mắt, gây viêm đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều, bà dụi mắt nhiều lần, mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ. Sau đó mắt bà càng đỏ nặng hơn và rồi mù luôn.

Bà Hiên là một trong số hơn 1.200 người bị mù 2 mắt và một mắt được ghi nhận tại thị xã Vĩnh Châu. Xác định đây là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế đã giao Viện Y tế công cộng TP HCM điều tra xác định nguyên nhân tổn thương mắt ở những người làm hành tím tại đây.

hangnghinnguoitronghanhtimbimudoviemloetgiacmac
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khám mắt cho một phụ nữ bị mù tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh:  H.N.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mù ít nhất một mắt của thị xã này là 6/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải con số này cao gần gấp 2 lần, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 5/1.000 dân. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt (20%), mù một mắt (45%).

Phân tích từ gần 1.200 người bị viêm loét giác mạc và hơn 1.200 người bị mù cho thấy, tỷ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển. Đặc biệt số người bệnh tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của thị xã Vĩnh Châu.

Chiều 20/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế, Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh và các viện, bệnh viện đã thăm một số hộ có người mù, các gia đình trồng và trữ giống hành tím để tìm hiểu thực tế.

Thứ trưởng Long cho rằng tình trạng mù lòa hiện nay không phải bệnh truyền nhiễm gây dịch. Bên cạnh mù do bệnh đục thể thủy tinh ở người già thì nguyên nhân chính gây hỏng mắt là trong quá trình chế biến hành, nông dân chưa áp dụng đúng các biện pháp bảo hộ lao động nên cay mắt, chảy nước mắt nhiều và viêm nhiễm.

Theo Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt Trung ương, mù mắt là hậu quả của viêm loét giác mạc, một loại chấn thương nông nghiệp do liên quan đến mùa vụ tại các vùng nông thôn. Điều trị không đúng cách như dùng thuốc corticoid hoặc đắp lá thuốc đông y gây sẹo giác mạc hoặc teo nhãn cầu vĩnh viễn… dẫn đến mù lòa, mất thị lực.

"Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa tại Vĩnh Châu", thứ trưởng Long khẳng định.

Theo thứ trưởng Long, hầu hết các trường hợp viêm loét giác mạc và bị mù tại Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được. Người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng như sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành; sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, rửa tay sạch sẽ... Khi mắt bị viêm cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị; không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian. Phương pháp điều trị viêm loét giác mạc chủ yếu là dùng nước muối sinh lý rửa mắt, điều trị phối hợp kháng sinh phổ rộng và kháng sinh kháng nấm.

Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt TP HCM sẽ hỗ trợ Vĩnh Châu điều trị và dự phòng các trường hợp bị tổn thương mắt. Các cơ quan chức năng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng bệnh cho người dân như tách riêng khu vực trữ giống hành và khu vực sinh hoạt để tránh nguy cơ độc tố từ hành gây bệnh hô hấp và làm nặng thêm bệnh mắt. Ngành nông nghiệp của huyện cũng cần quan tâm hướng dẫn bà con sử dụng hóa chất trong việc đánh phấn hành giống để không gây hại cho sức khỏe.

Trần Ngoan - Nam Phương

Theo suckhoe.vnexpress.net