Sau khi tòa tháp đôi WTC sụp đổ, một lớp bụi và mảnh vỡ đã phủ trên diện rộng ở Manhattan. Ẩn trong không khí và các đám mây lúc đó là các chất gây ung thư và hóa chất amiăng (chứa sợi thủy tinh, thủy ngân và benzene nguy hiểm cho sức khỏe).
Nỗi đau quá khứ vẫn đeo bám nhiều người
Nước Mỹ vừa tưởng niệm 14 năm thảm họa khủng bố ( 11/9/2001-11/9/2015) trong bối cảnh an ninh thắt chặt. Thảm họa khiến hơn 3000 người chết không chỉ làm tổn thương tinh thần nhiều người dân Mỹ mà những hóa chất độc hại bay ra từ tòa tháp đôi sụp đổ trong vụ tấn công vẫn đang khiến nhiều người bị ung thư và có nguy cơ bị ung thư.
Bổ sung thêm 50 loại ung thư khác vào diện hưởng bồi thường
Chỉ một tuần sau vụ khủng bố 11.9, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã tuyên bố, không có vấn đề gì nguy hại lâu dài đối với sức khỏe con người. “Tôi rất vui mừng để trấn an người dân New York và Washington, D.C. rằng, không khí môi trường sống là an toàn để hít thở”- lãnh đạo EPA, ông Christie Whitman cho biết vào thời điểm đó. Thế nhưng, sau đó nhiều người bắt đầu ngã bệnh.
Khu vực Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại (WTC) tan hoang sau vụ khủng bố
Đầu tiên, các nhân viên cứu hỏa bắt đầu bị bệnh về đường hô hấp mạn tính. Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Lao động Selikoff năm ngoái nói rằng có ít nhất 1.646 nhân viên cứu hộ mắc bệnh ung thư.
Từ năm 2001 đến 2004, chính phủ liên bang đã thành lập một quỹ đền bù cho tất cả những nạn nhân của chất độc hại hoặc bị chết trong thảm kịch.
Sau nhiều năm tạm dừng, tới năm 2011, Quốc hội Mỹ đã cho hoạt động lại quỹ này. Hai năm sau đó, các nhà chức trách đã bổ sung thêm 50 loại ung thư khác nhau vào danh mục bệnh đủ điều kiện hưởng bồi thường.
Chương trình chăm sóc y tế cho các nạn nhân sẽ hết hạn trong tháng 10, và quỹ đền bù cho nạn nhân sẽ hết hạn sau 1 năm nữa (tháng 10.2016), trừ khi Quốc hội Mỹ quyết định rót nhiều tiền hơn.
Khó khăn trong việc xác định giữa ung thư và bệnh tật
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu và các bác sĩ đang tìm kiếm mối liên kết nào đó để kết luận mối liên quan giữa vụ khủng bố và bệnh tật.
Trong một nghiên cứu toàn diện nhất của vấn đề này cho đến nay, Sở Y tế thành phố New York không tìm thấy mối liên hệ thật sự rõ ràng giữa bệnh ung thư và các mảnh vụn, khói bụi tại nơi các tòa nhà sụp đổ. Nghiên cứu được công bố vào năm 2012 trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, dựa trên sự theo dõi 55.778 cư dân New York - những người đã có mặt tại Tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (WTC) trong ngày xảy ra cuộc tấn công và đã có tên trong chương trình chăm sóc sức khỏe. Trong số những người quan sát, 1.187 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến giáp và u tủy tăng cao.
Lính cứu hỏa làm việc trong hoàn cảnh khói bụi
Một khó khăn chính của cuộc nghiên cứu là không thể giải thích các giai đoạn trễ nhất định của bệnh ung thư hay thời gian bệnh sẽ phát triển,... Theo chương trình chăm sóc y tế, các bệnh ung thư như ung thư tuyến giáp có khoảng thời gian trễ tối thiểu là 2,5 năm. Một bệnh ung thư khác như u trung biểu mô - nguyên nhân chính được biết đến là do tiếp xúc với amiăng, có thể cần tới 11 năm trước khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng bệnh lý.
Tuy nhiên, cũng có những nạn nhân đã qua 20 năm hoặc thậm chí 50 năm mà chưa có triệu chứng gì. Tính tới hiện tại đã 14 năm sau vụ khủng bố thảm khốc, các nhà nghiên cứu vẫn đang bắt tay nhau để trả lời cho câu hỏi về mối liên quan giữa vụ 11.9 và bệnh ung thư.
Trong năm 2013, Environmental Health Perspectives công bố tìm thấy bằng chứng thuyết phục hơn về mối liên hệ giữa ung thư và vụ 11/9. Trong số 20.984 người tham gia nghiên cứu, có 552 người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong giai đoạn từ 11.9.2001 tới tháng 12.2008. Ngoài ra, tác giả của nghiên cứu rất ngạc nhiên khi phát hiện mức độ cao hơn của bệnh ung thư tuyến giáp và tuyến tiền liệt so với những gì họ đã dự đoán ban đầu.
Bộ phận cứu hộ làm trong sạch thành phố
Mặc dù cũng tiếp xúc với các hóa chất độc hại, nhưng những người lính cứu hỏa có thể sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh do họ không làm việc trực tiếp trong các đống đổ nát sau cuộc khủng bố.
Nhiều nhà lập pháp đang thúc đẩy mở rộng, bồi thường thiệt hại lâu dài cho các nạn nhân. Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand nói trong tháng 7 rằng, bà hy vọng đạt được điều trên trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Đến năm 2014, quỹ đền bù nạn nhân vụ 11.9 đã trao một khoản 50,5 triệu USD cho 115 bệnh nhân. Trong đó, chỉ có 17 nạn nhân ở trung tâm thành phố New York và 5 người là du khách tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công.
Nhiều người vẫn sống trong tâm trạng “sụp đổ như tòa tháp”
Cuối tháng 8 vừa qua, bà Marcy Borders - một người phụ nữ ở tiểu bang New Jersey, đã qua đời và là 1 trong 8 triệu người trên toàn thế giới chết vì ung thư mỗi năm.
Bà Borders đã được biết đến rộng rãi bởi hình ảnh đứng giữa đống đổ nát sau khi tòa Tháp Đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ vào ngày 11.9.2001. Sau vụ việc đó, bà được gọi với biệt danh “ quý cô phủ bụi” vì một lớp bụi màu xám đã bao phủ cơ thể bà từ đầu đến từng ngón chân.
Một người bị bụi bao phủ từ đầu tới chân
Khi khủng bố xảy ra, Marcy Borders là một trợ lý pháp lý làm việc trên tầng 81 của Trung tâm Thương mại Thế giới số một. Khi chiếc máy bay số hiệu 11 của hãng American Airlines lao vào tòa nhà, đâm vào một vài tầng trên văn phòng của cô, cô đã chạy thoát xuống đường và sống sót.
"Tôi đang dọn dẹp bàn để chuẩn bị làm việc thì chiếc máy bay đâm vào. Tòa nhà bắt đầu rung lắc. Tôi như mất kiểm soát và hoảng loạn. Tôi cố gắng ra khỏi nơi đó"- cô nói.
"Hàng trăm người cố gắng chạy ra ngoài. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết. Tôi rất vui vì tôi có đủ sức để chạy ra ngoài. Có nhiều người bị thương, cảnh tượng quá kinh hoàng"- Borders nói.
Một người lạ kéo cô vào một hành lang gần đó, nơi nhiếp ảnh gia hãng AFP Stan Honda chụp ảnh cô: khuôn mặt thất thần, cơ thể phủ đầy tro bụi. Hình ảnh này sau đó nằm trong danh sách 25 bức ảnh có sức mạnh nhất của tạp chí Time. Thế giới biết đến Borders với cái tên "quý cô phủ bụi".
Bức ảnh nổi tiếng dường như cũng là biểu tượng cho những rắc rối cô gặp phải sau sự kiện 11/9. Cô bị ám ảnh bởi ký ức vào sáng hôm đó. Cô phải đấu tranh với chứng trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện.
"Cuộc sống của tôi vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Tôi không làm bất kỳ một công việc nào trong gần 10 năm, và đến năm 2011, tôi hoàn toàn bế tắc", Borders nói với New York Post vào tháng 6/2011". Mỗi lần nhìn thấy máy bay, tôi đều hoảng sợ. Nếu tôi thấy một người đàn ông trên một tòa nhà, tôi sẽ nghĩ rằng anh ta sắp bắn tôi".
"Cứ như thể là tâm hồn tôi đã sụp đổ cùng những tòa tháp", cô nói. "Tôi bắt đầu hút cocaine, bởi vì tôi chẳng còn muốn sống".
Sau khi bị mất quyền nuôi hai đứa con, Borders đi cai nghiện vào tháng 4/2011, 8 ngày trước khi Tổng thống Obama thông báo về cái chết của Osama bin Laden trên truyền hình.
"Việc điều trị giúp tôi tỉnh táo lên, nhưng vụ tiêu diệt bin Laden là một món quà", cô nói. "Tôi từng bị mất ngủ vì ông ta. Tôi mơ thấy ác mộng rằng bin Laden đánh bom nhà tôi, nhưng bây giờ tôi đã bình tâm", cô nói.
Borders rời trại cai nghiện vào tháng 5/2011, và lấy lại quyền nuôi con gái Noelle và con trai Zay-den.
Chiến đấu với bệnh tật
Theo The Guardian, Borders mùa hè năm ngoái bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày và phải trải qua một đợt điều trị hóa chất. Borders tin rằng việc tiếp xúc với bụi bặm từ đống đổ nát của các tòa nhà trong vụ 11/9 là nguyên nhân khiến cô mắc bệnh.
"Tôi tự hỏi bản thân rằng liệu thứ đó có kích thích sự phát triển tế bào ung thư trong cơ thể hay không? Tôi tin là có, vì tôi vốn không bị bệnh nào cả. Tôi không bị cao huyết áp, cholesterol cao hay tiểu đường", Borders nói. Tuy nhiên, cô cho biết thêm, cô đã tự vật lộn để trả các hóa đơn hóa trị liệu.
"Sao có chuyện đang khỏe mạnh thì bỗng dưng mắc bệnh ung thư được", cô nói. Borders qua đời ở tuổi 42.
"Mẹ tôi đã kiên cường chiến đấu với căn bệnh. Bà không chỉ là 'quý cô phủ bụi', mà còn là người hùng và sẽ sống mãi trong tim tôi", Noelle, con gái của Borders, nói.
Thị trưởng thành phố New York, Bill Di Blasio, viết trên trang Twitter cá nhân rằng: "Sự ra đi của Marcy Borders làm chúng ta nhớ đến bi kịch mà thành phố phải trải qua 14 năm trước đây. New York chia sẻ nỗi đau với người thân của cô".
"Tôi không thể tin rằng em gái tôi đã ra đi", Michael Borders, chị gái của Marcy viết trên Facebook. Em họ của Marcy là John Borde cũng chia sẻ thêm rằng cô là một "người hùng" và cô "không may qua đời vì căn bệnh đã xâm nhập vào cơ thể kể từ ngày 11/9 định mệnh đó".
Hàng nghìn người có mặt tại hiện trường vụ khủng bố trong và sau ngày 11/9, bao gồm nhân viên cấp cứu, những người sống sót và dân địa phương, sau đó bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
"Tôi mất rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong và sau ngày bi thảm đó. Nỗi đau trong quá khứ tưởng đã lắng xuống thì nay lại quay trở lại", John nói.
"Sau khi tòa tháp đôi WTC sụp đổ, một lớp bụi và mảnh vỡ đã phủ trên diện rộng ở Manhattan. Ẩn trong không khí và các đám mây lúc đó là các chất gây ung thư và hóa chất amiăng (chứa sợi thủy tinh, thủy ngân và benzene nguy hiểm cho sức khỏe). Khi hít phải các loại chất này, con người có thể bị ung thư sau một thời gian. Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên ước tính đã có 300 - 400 tấn sợi amiăng được sử dụng để xây dựng WTC."
Nguyễn Hưng-S.H (theo CityLab, Pix11)
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo