Với tư cách cổ đông sáng lập, Việt Nam có điều kiện tham gia các vị trí điều hành của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Ngày 29/6, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đại diện cho Việt Nam cùng các nước thành viên sáng lập khác của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ký điều lệ hoạt động.

AIIB74391435578470jpg
AIIB sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay. Ảnh: AFP

Việt Nam đang có nhu cầu vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức như WB, ADB và chính phủ các nước thời gian tới sẽ ngày càng hạn hẹp vì đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Do vậy, với việc tham gia làm cổ đông của AIIB, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định sẽ giúp Việt Nam bổ sung được một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước.

"Tham gia AIIB với tư cách là cổ đông sáng lập, Việt Nam có thêm nhiều quyền ưu đãi, bao gồm quyền tham gia việc hoạch định và xây dựng chính sách của ngân hàng này ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động của ngân hàng, từ đó thể hiện được tiếng nói của Việt Nam cũng như các cổ đông có quy mô nhỏ khác trong ngân hàng này", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ngoài ra, với tư cách cổ đông sáng lập, có số vốn được phân bổ, Việt Nam cũng có điều kiện để tham gia các vị trí điều hành ngân hàng, như Giám đốc điều hành, Giám đốc điều hành phụ khuyết trong thời gian tới

AIIB được thành lập dựa trên sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10/2013. Ngân hàng dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay với 57 thành viên sáng lập, vốn điều lệ 100 tỷ USD và do Trung Quốc chiếm cổ phần chi phối.

Mục tiêu hoạt động của AIIB là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, môi trường, phát triển đô thị... Bên cạnh khía cạnh kinh tế, tổ chức này được xem là lập ra để cạnh tranh với các tổ chức tài chính đa phương khác vốn bị chi phối bởi các nước phát triển như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) do đại diện châu Âu và Mỹ điều hành, hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang có lãnh đạo là người Nhật Bản.

Huyền Thư

Theo kinhdoanh.vnexpress.net