Cuối tháng 6, từng đoạn trong 420 km đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên lần lượt được thông xe. Các phương tiện chỉ mất 8-9 giờ lưu thông từ Buôn Ma Thuột về TP HCM, giảm 3 giờ so với trước đây.
Ngày 26/6, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kết luận 420 km đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) đảm bảo chất lượng và cho phép đưa toàn tuyến vào hoạt động.
Trao đổi với VnExpress , ông Dương Hồ Minh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết, hơn 400 km đường trong khi xây dựng đã được giám sát chất lượng chặt chẽ, chưa xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe, đảm bảo giao thông êm thuận. Sau 1,5 năm triển khai, dự án vượt tiến độ một năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Ông Minh cho biết, được mở rộng trên nền quốc lộ 14 cũ song vẫn có nhiều đoạn đường được làm mới nên dự án phải giải phóng khối lượng mặt bằng lớn với 140 ha đất, 12.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Các địa phương đã phải nỗ lực để có mặt bằng đúng tiến độ.
Thiếu nguồn nguyên liệu xây dựng, các nhà thầu phải vận chuyển đá từ mùa mưa ở Đồng Nai để chuẩn bị thi công vào mùa khô. Có thời điểm, nhà thầu chăng bạt trên cả đoạn đường để tránh mưa khi thảm bê tông.
Đường Hồ Chí Minh xuyên qua núi rừng Tây Nguyên, góp phần thúc đấy kinh tế xã hội khu vực này. Ảnh: Đoàn Loan.
Theo thiết kế, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, mặt đường rộng 11 m, tốc độ lưu thông phương tiện trên tuyến đạt 80 km/h, một số đoạn qua đô thị giới hạn tốc độ 60 km/h.
Lưu thông trên tuyến đường mới, một số lái xe tải đường dài cho biết, thời gian xe tải vận chuyển hàng hóa từ Buôn Ma Thuột về TP HCM đã được rút ngắn từ 12 giờ xuống còn 9 giờ, lượng dầu xe tiêu thụ cũng giảm xuống gần 1/3. Ngoài ra, xe ít bị hỏng hơn trước. Tuy nhiên, điều mà các tài xế lo ngại là mức phí cao mà họ sẽ phải trả tại các trạm BOT sắp tới.
Theo kế hoạch, toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thiết lập 5 trạm thu phí BOT để hoàn vốn đầu tư, trong đó có một trạm đã thu phí, còn 4 trạm hoạt động từ tháng 9. Mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nhà nước có thể mua lại một số dự án BOT để giãn thời gian nộp phí đường bộ.
Vì xuyên qua núi rừng nên có nhiều đoạn đường quanh co. Ảnh: Đ.Loan.
Đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nguyên và giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung. Đây từng được mệnh danh là "con đường đau khổ" vì bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Tuyến đường đã được nêu ra nhiều lần trong các diễn đàn chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải tại Quốc hội.
Đến năm 2013, 419 km trên tuyến này được khởi động đầu tư mở rộng. Ngành giao thông đã huy động xã hội hóa 6.000 tỷ đồng với 5 dự án BOT, chiều dài 208 km. Ngoài ra có 212 km được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Đoàn Loan
Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: km duong ho chi minh,
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo