Gần 5 năm qua, tàu thuyền của ngư dân khi cập cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) rất khó khăn, nhiều tàu bị mắc cạn dẫn tới hỏng hóc. Nguyên nhân do cửa lạch bị cát bồi lắng.

Cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh. Trước kia, bình quân mỗi ngày cảng đón nhận gần 200 tàu thuyền ra vào tiêu thụ sản vật. Trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng tàu thuyền ra vào cảng giảm mạnh, chỉ còn vài chục lượt. Nguyên nhân là do hệ thống luồng lạch ra vào chính bị cát bồi lắng thành cồn, tàu cá ra vào thường xuyên bị mắc cạn.

Cửa lạch chính nằm ở phía đông, tàu thuyền cập cảng đều phải đi qua. Việc bồi lắng bắt đầu từ năm 2010, chủ tàu phải đi đường vòng mới vào được cảng. "Rất mất thời gian và công sức, hơn nữa khi tàu thuyền cập bến nhiều, việc xuất bến vô cùng khó khăn, nhiều hôm thuyền của tôi bị “đóng băng” gần tuần", một ngư dân nói.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, khi thiết kế cảng, luồng lạch ra vào được tính là -4,1 m so với mực nước biển. Nhưng hiện tại nó đã thành một cồn cát nhô lên.

Cảng Cửa Sót có rất nhiều tàu thuyền ra vào, trong đó lớn nhất là số lượng tàu ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng. Từ khi lạch chính bị bồi lắng, sản lượng thủy sản giảm hẳn.

“Trước kia, tàu 300 mã lực là vào được cảng, nay thì không thể. Cảng chỉ duy trì sự ổn định ở mức tàu khoảng 90 mã lực”, ông Sơn nói.

Một số tàu thuyền khi cập cảng bị mắc cạn dài ngày, sau đó đã hỏng hóc, không thể tiếp tục ra khơi.

Vì luồng lạch cạn, tàu thuyền khi cập bờ có rất ít không gian để tìm vị trí đậu. Ngư dân Dư Xuân Bình (50 tuổi) cho biết, mỗi khi đi đánh bắt dài ngày về, thuyền của ông thường phải đậu ngoài xa, sau đó thuê thuyền nhỏ đưa hải sản vào. “Mỗi lần ra khơi, tôi phải chi rất nhiều tiền xăng dầu. Khi cập cảng lại phải chi hơn 300 nghìn đồng nữa để thuê thuyền nhỏ đưa hàng vào cảng, rất bất cập”, ông Bình nói.

Theo kinh nghiệm của một số chủ tàu, để đối phó với tình trạng ra vào khó khăn, họ đã căn chờ thuỷ triều dâng thì đưa thuyền vào và có khi tới nửa đêm mới đưa thuyền ra được. Nhiều thuyền vào cùng lúc nhưng không thể ra cùng lúc dẫn tới việc bị “mắc kẹt”.

Theo một số ngư dân, sở dĩ xảy ra tình trạng luồng lạch cạn là do nguồn nước ngọt từ trên không chảy xuống. Khi nước biển dâng, gió nồm, sóng đánh cát từ ngoài biển vào tạo thành những bãi bồi.

Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh đã thuê các tàu thuyền tới hút cát để mở luồng phụ, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Tàu thuyền trong quá trình mắc cạn đã bị nứt đáy, hỏng chân vịt.

Nhiều ngư dân phải bỏ ra vài triệu đồng sửa chữa thuyền mỗi lần mắc cạn.

Ông Hà Văn Trà, Phó Ban Quản lý các dự án ODA (thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, sau nhiều lần nhận kiến nghị của người dân, ban đã tìm ra phương hướng giải quyết. “Ngân hàng Thế giới đã thông qua dự án tài trợ nạo vét luồng lạch cảng Cửa Sót, tổng kinh phí khoảng 53 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9 triển khai”, ông Trà thông tin.

Tàu thuyền mắc cạn ở cảng Cửa Sót

Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: khi cap cang, cang cua sot, huyen loc ha, kho khan nhieu, bi mac can, tau thuyen, luong lach, bi cat boi lang, tau thuyen cap, cang,