Mặt trời chói chang trên đỉnh đầu, nhóm thiếu niên mồ hôi nhễ nhại vẫn đứng xoay vòng nhún nhảy, đôi tay thoăn thoắt tung hứng quả bóng gỗ.
Mỗi sáng chủ nhật, trước cổng Bưu điện trung tâm TP HCM, hơn chục thành viên trong Câu lạc bộ Sài Gòn Kendama cùng nhau luyện tập môn thể thao tung hứng xuất xứ từ Nhật Bản. Hầu hết họ là sinh viên và học sinh trung học. Cả nam và nữ đều hăng hái luyện tập, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Thành viên cũ được giao nhiệm vụ hướng dẫn cặn kẽ luật chơi cho các bạn mới.
Trò tung hứng Kendama đòi hỏi người chơi phải thật khéo léo tâng trái bóng gỗ lên cao rồi điều chỉnh sao cho nó rơi vào giữa miệng chén trên tay cầm gỗ hoặc yên vị ở đỉnh nhọn của tay cầm.
Hoàng Phi Hùng, người sáng lập và điều hành câu lạc bộ này, chia sẻ: “Đây là trò chơi rất khó, đòi hỏi người chơi phải hết sức khéo léo và tập trung”.
Nam sinh tuổi teen cho biết, đây là trò chơi truyền thống của người Nhật Bản, theo chân chú mèo máy Doreamon "du lịch" khắp thế giới. Khoảng 3 năm nay môn thể thao này du nhập vào Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Kendama là tên gọi một món đồ chơi được làm từ gỗ, gồm một cây trụ (ken) và một trái banh có khoét một lỗ nhỏ (tama), nối với nhau bằng sợi dây mảnh. Trên thanh trụ có 2 miệng chén để hứng trái banh, phía đối diện là đỉnh nhọn. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đây là đồ chơi đơn giản của trẻ con, song để chơi thành thục Kendama không dễ, đòi hỏi phải có kỹ thuật thật điêu luyện.
"Khi chơi cần phối hợp khéo léo của toàn bộ các bộ phận của cơ thể nên đòi hỏi sự tập trung cao độ, tăng cường phối hợp tay và mắt, thăng bằng và phản xạ", Hùng nói.
Một bé gái đang tập chơi Kendama. Ảnh: Tường Linh .
Kỹ thuật cơ bản nhất của môn này là Ozara, Chuzara và Kozara, chỉ cần một chút khéo léo, người chơi nhẹ nhàng thảy trái bóng lên không trung và điều chỉnh sao cho bóng rơi vào đúng những miệng chén trên tay cầm gỗ. Khó hơn một chút, bạn phải bắt được bóng từ phía đầu nhọn của tay cầm, kỹ thuật này gọi là Tomeken.
Khi đã quen dần với những động tác cơ bản, người chơi biết điều khiển được cơ thể linh động hơn thì có thể đổi ngược lại. Họ sẽ tung tay cầm và giữ trái bóng, sao cho khi tay cầm rơi xuống, phần đầu nhọn sẽ rớt trúng lỗ của bóng. Đây gọi là kỹ thuật Hikoki, một trong những động tác khó, thể hiện đẳng cấp của người chơi.
Kendama có thể được chơi ở bất cứ nơi nào và độ tuổi nào. Ở Nhật, ban đầu trò chơi này được giới thiệu đến các học sinh với các quy tắc cố định, sau đó trở nên phổ biến như một môn thể thao khuyến khích sự sáng tạo. Từ khi Hiệp hội Kendama Nhật Bản ra đời, người ta đã tổ chức những giải đấu cho học sinh tiểu học, sinh viên và cả người lớn trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, ban đầu Kendama mới được biết đến ở Hà Nội, dần dần phổ biến tại TP HCM, Cần Thơ và lan rộng ra cả nước. Dụng cụ chơi môn Kendama có nhiều loại, hầu hết được làm bằng tay. Chẳng hạn, Kendama bóng chày được mô phỏng theo hình dạng chiếc gậy đánh bóng chày, Kendama kinh dị với quả bóng được vẽ hình một khuôn mặt trông rất ma quái, Kendama búp bê gỗ, Kendama sừng…
Thời gian đầu, người người mê Kendama phải đặt mua bộ dụng cụ từ Nhật khá đắt tiền. Đến nay, một số đơn vị trong nước đã nhập khẩu hoặc chế tác với giá cả mềm hơn, trung bình khoảng 300.000 đến 400.000 đồng cho một bộ bằng gỗ.
Các bạn trẻ kết thân với nhau khi có chung niềm đam mê môn thể thao trong truyện tranh Doreamon. Ảnh: Tường Linh .
Giang Huy, thành viên nhỏ tuổi nhưng có kỹ thuật chơi điêu luyện nhất nhì ở TP HCM , mỉm cười bảo: “Em thích nhất là khi tập được một động tác khó, nhìn thấy được ánh mắt thán phục của mọi người dành cho mình và thu hút được các bạn khác tham gia sinh hoạt chung”.
Chàng trai Quốc Anh thì cho rằng: “Chơi Ken luyện được tính nhanh nhẹn của bàn tay, đôi mắt, sự dẻo dai của cơ thể, phản xạ tốt hơn. Nhất là nhờ đam mê trò chơi này mà em bỏ hẳn tật nghiện game”.
Theo Phi Hùng, giữa lúc một bộ phận giới trẻ chìm đắm mình vào thế giới ảo của mạng xã hội và các trò chơi trực tuyến, câu lạc bộ nhỏ này đã tạo điều kiện cho các thành viên có một thế giới giải trí chân thực hơn, bổ ích hơn. Hùng cho biết: "Ngoài những lợi ích như rèn luyện tính kiên nhẫn, khéo léo, nhanh tay nhanh mắt, Kendama còn giúp người chơi vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa để có thể giao lưu với cả những người bạn nước ngoài".
Thành viên của Kendama Việt Nam hiện nay có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài những buổi gặp gỡ và luyện tập hàng tuần còn có những cuộc thi giao lưu quy mô lớn giữa các vùng miền để người chơi học hỏi lẫn nhau và khẳng định tài năng của mình. Các câu lạc bộ này cũng từng bước tiếp cận với bạn bè quốc tế có chung niềm đam mê môn thể thao tung hứng.
“Chơi Ken không khó, chỉ cần thích và có lòng kiên trì, bạn sẽ thành công”, nhóm trưởng Phi Hùng nói.
Thi Trân - Thùy Trang
Theo doisong.vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: mon the thao tung hung, sinh vien, thanh vien cu, doi hoi nguoi choi phai, dieu chinh sao, cau lac bo, day la tro choi, ky thuat, the, anh tuong linh, nhon cua tay cam, nhung dong tac, dong tac kho, tro choi,
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo