Có thể bạn sẽ tự hỏi làm sao cây đinh dài như vậy lại mắc kẹt trong ruột một đứa bé. Nuốt cây đinh dài do bố đưa cho chơi, bé trai 18 tháng tuổi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 nội soi đưa dị vật ra ngoài.
Bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng Phòng Nội soi, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết sau khi thăm khám và chụp hình phát hiện đinh vít nằm trong đường tiêu hóa, các sĩ quyết định nội soi lấy dị vật. Đinh không nằm vị trí dạ dày mà kẹt ở ruột non gây đau đớn cho bé. Dạ dày bé do sự di chuyển của cây đinh đã bị tổn thương, trầy xước. Sau 10 phút nội soi, dị vật được đưa ra ngoài cơ thể bé thành công. Bé xuất viện chiều 31/10.
Theo bác sĩ Dũng, trường hợp này cây đinh bén nhọn và dài nên không có khả năng đi ra ngoài một cách tự nhiên như các dị vật khác. Kết quả chụp phim lúc nhập viện và trước nội soi đều cho thấy cây đinh nằm cố định, kẹt ở ruột non mà không xê dịch nhiều. Dị vật có khả năng sát thương cao, kẹt lại trong cơ thể bé có thể dẫn đến hoại tử, biến chứng khó lường nếu không lấy ra sớm.
"Đây là dị vật phát hiện được trên X-quang, xác định được vị trí. Có những dị vật như que tăm, que kẹo mút... không thấy được trên X-quang gây khó khăn trong việc xử lý", bác sĩ Dũng chia sẻ. Nhiều trường hợp trẻ đã biến chứng xuất huyết tiêu hóa, đau bụng đi nhập viện nội soi mới phát hiện được, gọi là dị vật bỏ quên, dẫn đến nhiều nguy hiểm.
Bố bệnh nhi cho biết tối 29/10, anh đi làm về và đưa cho con 2 cây đinh để chơi. Một lát sau con khóc thét dỗ mãi không nín, nôn ói nên bố mới sực nhớ kiểm tra lại thì thấy mất một cây. Bé được đưa vào cơ sở y tế địa phương rồi chuyển lên TP HCM để can thiệp.
Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 15 trường hợp dị vật nằm sâu trong đường tiêu hóa, xuống tới dạ dày. Những dị vật thường gặp như cục pin, tăm, nhẫn, bông tai... hoặc đôi khi có cả bàn chải đánh răng trẻ em, muỗng nhựa đồ chơi. Phụ huynh cần cố gắng quản lý, kiểm soát con tránh khỏi những tình huống gặp nạn.
Lê Phương
Theo suckhoe.vnexpress.net
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo