Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn.
Trưa 22.9, tòa biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội bất ngờ đổ sập khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương. Theo điều tra ban đầu, tòa nhà đã xuống cấp. Hơn nữa, thời tiết mưa liên tục trong những ngày qua khiến tòa nhà thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.
Chiều 23.9, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ).
Những mảng tường bong tróc ở căn biệt thự cổ số 8 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội
Theo Bộ Xây dựng, vụ sập biệt thự cổ tại Hà Nội là sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về người và tài sản. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các công việc liên quan đến vụ sập biệt thự cổ tại 107 Trần Hưng Đạo.
Cụ thể: Bộ Xây dựng yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng khai thác công trình tại 107 Trần Hưng Đạo phải bảo đảm an toàn cho người và tài sản; Hạn chế và ngăn ngừa nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; Tổ chức bảo vệ hiện trường sự cố.
“Đề nghị Hà Nội căn cứ theo mức độ và phạm vi sự cố để xem xét, quyết định tạm dừng khai thác sử dụng đối với các hạng mục công trình lân cận”, Bộ Xây dựng yêu cầu.
Ngoài ra, Hà Nội phải xem xét, quyết định phá dỡ, thu dọn hiện trường sự cố sao cho đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình và các công trình lân cận.
Bên cạnh đó, hiện trường sự cố tại 107 Trần Hưng Đạo phải được các bên liên quan chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân và lập hồ sơ sự cố trước khi phá dỡ, thu dọn.
Đối với các địa phương khác, Bộ Xây dựng cũng đề nghị rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
“Các tỉnh, thành phố rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn (trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ) và có biện pháp xử lý.”, Bộ Xây dựng yêu cầu.
Ngoài ra, các chủ sở hữu, người quản lý sử dụng phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định; Kiểm tra công tác bảo trì của các tổ chức, cá nhân; phát hiện các dấu hiệu mất an toàn, kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp sớm có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn cho công trình.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo