Nhiều ngày vào rừng sâu, anh Huy gánh về nửa bao nấm linh chi bán cho những người cần thảo dược. Những năm trước, chuyến đi "săn" nào anh cũng kiếm được gần 100 kg nấm quý.
Đã qua rồi cái thời hàng chục ngư dân neo thuyền ven biển để vào rừng "săn" nấm linh chi mọc trăm năm giữa đại ngàn.
Giờ đây, anh Mai Thiên Huy (42 tuổi) trở thành người cuối cùng vào rừng tìm nấm quý ở xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
Linh chi rừng ngày càng hiếm nên có khi anh Huy chỉ "săn" được nấm nhỏ. Ảnh: Việt Tường.
Hơn 30 năm trước, anh Huy theo cha mẹ từ Thanh Hóa vào Phú Quốc lập nghiệp khi "đảo ngọc" còn hoang sơ.
Dãy đất nằm giữa biển và rừng ở xóm Xà Lực của ấp Đá Chồng được gia đình Huy chọn làm chỗ dừng chân.
Những ngày theo cha vào rừng tìm nhựa chảy ra từ thân cây dầu để dùng trong việc đóng ghe tàu đi biển, anh Huy phát hiện vài "tay" nấm to như chiếc thúng mọc trên lớp thực bì.
"Chạm phải nấm quá to, tôi cột dây gánh về nhà phơi để nấu nước uống cho mát chứ đâu biết tên và tác dụng chữa bệnh của nó.
Thấy chúng tôi phơi nấm, người đi đường hỏi mua rồi mang ra chợ Dương Đông bán lại", anh Huy kể.
Năm 2000, tư thương mua nấm linh chi chưa phơi khô với giá 17.000 đồng/kg.
Ba ngày vào rừng, một người có thể mang về hơn 100 kg nấm quý, bán được gần 2 triệu đồng nên ngư dân nghèo xem đây là thu nhập "khủng".
"Làm thợ hồ lúc đó mỗi ngày chủ trả công chỉ hơn 50.000 đồng. Những người đi biển, hôm nào đánh bắt nhiều tôm cá cũng bỏ túi khoảng 100.000 đến 120.000 đồng.
Thấy chúng tôi bán nấm được nhiều tiền, không ít người ở Đá Chồng đã neo ghe để đi 'săn' nấm", người đàn ông sống ven rừng kể.
Người phụ nữ bán nấm linh chi ở chợ Dương Đông cho biết, loại dược thảo quý này ngày một hiếm tại Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.
Ba năm sau, linh chi "rút" sâu vào những khu rừng già đầy hiểm trở vì những nơi dễ đến đã đầy dấu chân người. Khi đó, nấm quý bắt đầu hiếm và giá linh chi rừng cũng tăng dần.
Tiếp tục sống bằng nghề "săn" thảo dược quý, người dân Xà Lực âm thầm đi sâu vào đại ngàn Phú Quốc.
Nơi đó, có những thân cây dầu to khoảng 3 người ôm mới giáp đã bị chết đứng hoặc nhánh của chúng mục vì gãy đổ.
"Nấm linh chi chỉ mọc trên thân hoặc nhánh cây mục. Lúc đầu, quá nhiều người tìm chúng nên thảo dược này không còn tồn tại ngoài bìa rừng.
Bây giờ, muốn có được nấm quý phải lội sâu vào đại ngàn gần một ngày mới tìm gặp.
Ba ngày sau quay về, trên vai tôi chỉ được vài ký nấm và nếu gặp kiểm lâm thì bị tịch thu hết, xem như công cốc", anh Huy chia sẻ.
Theo anh thợ rừng, người bỏ nghề "săn" nấm gần đây là ông Sáu Khánh.
Ngư dân ngoài 50 tuổi này cũng là "thợ săn" lão luyện, từng neo ghe lên rừng và vác ra khỏi đại ngàn những thân nấm to như chiếc nia, nặng hơn 30 kg.
Những thân nấm mà ông Khánh gặp được cả xóm Xà Lực cho là "già hơn tuổi người", cứng đến chặt mẻ búa. Đối với anh Huy, lần gặp nấm to nhất bằng chiếc thúng, dày 16 cm, nặng 14 kg.
Những khu rừng già trên núi ở Phú Quốc là nơi người "săn" linh chi hay tìm đến. Ảnh: Việt Tường.
Sau vài năm "săn" sản vật của rừng, đại ngàn hiểm trở với những dốc núi gần như dựng đứng đã làm mòn dần sự kiên nhẫn của dân nhập cư đến với Bãi Thơm.
Ông Khánh bỏ nghề, bán đất với căn nhà gỗ để chuyển chỗ ở đến vùng đất mới gần Bãi Dài của xã Gành Dầu.
Những lúc nhớ rừng, người "thợ săn" ngày nào đã trốn vợ vài ngày dể tìm về đại ngàn.
Khi quay ra, ông Khánh luôn gánh đầy bao linh chi nhưng sản vật của rừng chỉ còn to bằng bàn tay hoặc chiếc quạt chứ không to như trước đây.
Quay về thị trấn Dương Đông, phóng viên gặp bà lão ngoài 60 tuổi từng là "mối" làm ăn với những người thợ rừng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Hàm Ninh), hơn 10 năm trước, nhiều người sống quanh rừng già thường chở ra chợ huyện hàng trăm kg nấm linh chi rừng các loại.
Bà Hồng là người đầu tiên kinh doanh loại thảo dược quý này ở đường Bạch Đằng, thị trấn Dương Đông.
"Bây giờ, cả tháng mới có người mang linh chi đến bán, giá cao gần chục lần lúc trước. Họ giao nấm cho tôi chủ yếu là lúc trời tối, sợ gặp nhà chức trách xét hỏi, tịch thu", bà Hồng nói.
Nấm linh chi rừng bán ở "đảo ngọc". Ảnh: Việt Tường.
Trò chuyện cùng phóng viên, "thợ săn" linh chi Lương Văn Dũng (51 tuổi, ngụ xã Cửa Dương) cho biết, tuần nào ông cũng tìm cách vào rừng tìm dược liệu để làm từ thiện.
Những lần như thế, ông cố tình "rút" sâu vào đại ngàn vài ngày để tìm nấm linh chi bán cho các tiệm thảo dược để bù lại chi phí bốc thuốc miễn phí.
"Linh chi vài chục ký tôi từng gặp và vác về thị trấn nhưng đó chỉ là dĩ vãng. Giờ đây, loài nấm quý này chỉ có trong rừng sâu, có nơi quanh năm không nhìn thấy mặt trời.
Kiên nhẫn vài ngày và đánh liều với kiểm lâm để vào rừng thì quay ra được vài ký linh chi, thân chúng chỉ to như những chiếc đĩa", ông Dũng thật thà nói.
theo Zing
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo