Các trường hợp phản ứng vắc xin khi tiêm chủng phải xác định được nguyên nhân là do vắc xin mới được đền bù. Các trường hợp tiêm nhầm vắc-xin, tiêm nước cất... như đã từng xảy ra hay các sự việc tương tự nhưng không gây hậu quả sẽ không được bồi thường.
Khó thực hiện
Nghị định về tiêm chủng, trong đó có đề xuất bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng sau tiêm chủng vắc-xin bắc buộc đang được Bộ Y tế lấy ý kiến. Các chuyên gia đều cho rằng bồi thường cho các trường hợp phản ứng do vắc-xin là nhân văn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc nhận được bồi thường rất khó thực hiện…
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, việc bồi thường cho các tai biến tiêm chủng không phải là mới, đã được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ năm 2008. Dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến là nhằm mục địch làm rõ, chi tiết hơn về việc bồi thường tai biến do tiêm chủng như thế nào. Hiện Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến để nghị định này và trên cơ sở các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo sẽ thống nhất trình lãnh đạo Bộ trong năm 2015.
Dự thảo đưa ra cụ thể những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc-xin được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong.
Theo dự thảo này người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; người được tiêm chủng bị tử vong do những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc-xin sẽ được Nhà nước bồi thường.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, việc đền bù cho những trường hợp phản ứng sau tiêm được xác định do vắc-xin là hoàn toàn nhân văn, xứng đáng. Để khách quan Bộ Y tế cũng đã có thông tư, quy định thành lập Hội đồng khoa học đánh giá phản ứng tai biến sau tiêm chủng một cách khách quan, công tâm nguyên nhân ở đâu để không chỉ bồi thường mà còn khắc phục nếu tai biến do sai sót tiêm chủng.
Cũng theo ông Cảm, để bồi thường phải căn cứ vào nguyên nhân của tai biến. Nếu sai sót của nhân viên y tế nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm, tai biến do khách quan thì nhà nước sẽ xem xét, bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc xác định có được đền bù hay không còn nhiều khó khăn.
Như trường hợp hơn 30 thai phụ ở Bắc Ninh bị tiêm nhầm vắc-xin hay vụ hơn 60 trẻ ở Đồng Tháp bị tiêm nhầm nước cất thành vắc xin, ông Phu cho rằng nhà nước sẽ không bồi thường nếu tai biến này không gây hậu quả cho người được tiêm nhưng cán bộ y tế làm sai quy trình sẽ bị kỷ luật.
Cùng quan điểm này, TS Cảm cho rằng việc xác định hậu quả của sai sót khi tiêm chủng rất quan trọng để thực hiện việc bồi thường. Như trường hợp thai phụ tiêm nhầm vắc-xin ở Bắc Ninh, Hội đồng khoa học đã xác định vắc xin DPT không gây ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, bào thai. “Tuy nhiên với ngành y tế, bất kỳ một sai sót nào cần phải có trách nhiệm đến cùng. Bắc Ninh rất nỗ lực cùng với các chuyên gia đầu ngành để theo dõi có ảnh hưởng ktheo dõi sức khỏe của tất cả các bà mẹ. Rõ ràng bằng chứng khoa học xác định thai phụ và bào thai không ảnh hưởng, nhưng trách nhiệm của ngành y tế vẫn phải theo dõi sát sao quá trình mang thai, sinh đẻ, đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho những trường hợp đó. Theo tôi, đó cũng là một hình thức đền bù”, TS Cảm nói.
Hay như vụ sốc phản vệ với vắc-xin ngừa lao gần đây ở Thanh Hóa cũng rất khó để bồi thường.
Bởi sốc là tai biến nặng trong tiêm chủng, có nhiều nguyên nhân. Vắc-xin là một loại thuốc và bất cứ loại thuốc nào cũng có thể có tác dụng không mong muốn sốc phản vệ. Trong khi đó, có những cơ địa đặc biệt gây phản ứng lại vắc-xin, dù vắc-xin này tiêm cho trẻ khác vẫn an toàn.
“Thậm chí có người tiếp xúc với dị nguyên, chất lạ trong thiên nhiên cũng sốc. Có trường hợp dị ứng kháng sinh A, vào nhà vệ sinh thấy mùi kháng sinh được thải ra từ nước tiểu của người đang được tiêm kháng sinh này cũng sốc, choáng, ngã”, TS Cảm nói.
“Rõ ràng cùng lô, thậm chí cùng lọ vắc xin đó tiêm cho vài cháu (hoặc nhiều cháu), các cháu khác vẫn khỏe mạnh. Còn cháu không may bị sốc phản vệ do cơ địa, chúng tôi sẽ nghiên cứu, cân nhắc những trường hợp như thế này. Bởi chất lượng vắc-xin được đảm bảo, do phản ứng của cơ thể trẻ với vắc-xin, cũng như phản ứng với bất cứ loại thuốc nào rất khó để thực hiện bồi thường, vì nguyên nhân không phải do vắc-xin không đảm bảo chất lượng. Còn nếu lỗi là do vắc-xin thì nhà cung cấp vắc-xin phải bồi hoàn cho Nhà nước”, ông Phu nói.
Sẽ thực hiện công tâm!
Ông Phu cho rằng, việc tiêm vắc-xin làm rất công tâm để bảo vệ sức khỏe trẻ em và nhân dân. Vì thế với việc đền bù tai biến tiêm chủng, phải thảo luận, bàn bạc rất kỹ và công tâm vì nếu làm không tốt ảnh hưởng đến cả cán bộ tiêm chủng, bà mẹ cho con tiêm chủng. Trên cơ sở lấy ý kiến, ban soạn thảo sẽ tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ Y tế, với tiêu chí đảm bảo không để người dân thiệt nhưng vẫn phải đảm bảo tính xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh cho rằng với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh không ai có thể biến được bệnh tiềm ẩn như: viêm phổi, máu trắng, tim bẩm sinh…mà bằng mắt thường và khám sàng lọc chưa chắc đã phát hiện được. Khi kháng nguyên của vắc-xin được đưa vào có thể sẽ gây ra các phản ứng quá mẫn. Trong trường hợp này việc có nhận được bồi thường hay không sẽ do Hội đồng chuyên môn căn cứ vào các quy định tại thông tư hướng dẫn.
“Nghị định đang trong quá trình hoàn thiện và muốn thực hiện được cần phải có những quy định rất cụ thể. Mục đích cuối cùng là để đảm bảo cho con em được tiêm chủng đầy đủ, an toàn chứ không phải là rào cản khiến người dân và cán bộ y tế e ngại”, ông Cảm nhận định.
Đề xuất về việc thực hiện bồi thường cho các trường hợp tai biến tiêm chủng, ông Cảm cho rằng nên mua bảo hiểm tiêm chủng để có điều kiện tạo quỹ bồi thường khi có tai biến. Nếu sai sót do cá nhân cán bộ y tế, cán bộ y tế này phải chịu hình thức kỷ luật tương xứng và cá nhân đó phải có trách nhiệm hoàn trả lại chi phí đã chi trả để đền bù.
Cùng quan điểm này, BS Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho rằng việc mua bảo hiểm sẽ giúp việc thực hiện đánh giá đền bù được khách quan, tránh lạm dụng nếu không may có tai biến do vắc-xin xảy ra.
Hồng Hải
Theo dantri.com
Theo dantri.com
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo