Sự cố rò rỉ video tình dục trong phòng thử đồ ở cửa hàng Uniqlo tại thành phố Bắc Kinh khiến giới chức Trung Quốc lo ngại một "làn sóng" quan hệ tình dục nơi công cộng nổi lên ở nước này.

1378761437849186jpg
Giới trẻ Trung Quốc đổ về cửa hàng Uniqlo tại Bắc Kinh để chụp ảnh "tự sướng" sau bê bối đôi nam nữ quan hệ tình dục trong phòng thử đồ ở đây. Ảnh: AP.

Những ngày gần đây tại Trung Quốc, chỉ cần nhắc đến "Uniqlo" hay "phòng thử đồ", ai cũng mỉm cười và hiểu bạn đang ám chỉ điều gì. Nhà chức trách buộc phải kiểm duyệt tên của hãng thời trang Nhật Bản trên toàn bộ mạng xã hội. Giám đốc các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc cũng bị triệu tập để hợp tác điều tra. Song những động thái từ phía chính phủ không thể ngăn được dòng người đổ về chụp selfie trước cửa hàng Uniqlo ở Sanlitun, khu mua sắm và giải trí thời thượng nhất Bắc Kinh.

Nhiều khu công cộng khác ở Trung Quốccũng hết sức cảnh giác. Tại thành phố Trùng Khánh, cách Bắc Kinh vài trăm kilomet, một công viên nước treo biển cấm quan hệ tình dục ở bể bơi.

Trước đó, video quay bằng điện thoại di động ghi hình một cặp nam nữ đang "mây mưa" trong phòng thay đồ của cửa hàng Uniqlo tại Bắc Kinh. Video lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội như Weibo và dịch vụ tin nhắn WeChat.

Sự cấm đoán phản tác dụng?

Trao đổi với CNN, bà Li Yinhe, một nhà xã hội học nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết việc video đồi trụy tạo nên "cơn sốt" có thể là minh chứng cho sự phản tác dụng của nhiều năm bị cấm đoán.

Mộtđôi nam nữ ở thành phố Thẩm Dương mới đây làm xôn xao cộng đồng mạng khi bị ghi hình đang ôm hôn nhau trên tàu điện ngầm. Hồi tháng 6, dư luận được dịp bàn tán khi một phụ nữ Trung Quốc nhận tội cho hành vi quan hệ tình dục trên đường phố Hong Kong, trong khi người đàn ông "vui vẻ" với cô thì không. Trước đó vào năm 2008, người dân Trung Quốc từng "dậy sóng" khi hàng trăm bức ảnh khỏa thân của ngôi sao điện ảnh Hong Kong Trần Quán Hy với các người đẹp bị rò rỉ trên mạng.

"Nếu bạn có thể dễ dàng tiếp cận với ấn phẩm khiêu dâm như ở các quốc gia khác, bạn sẽ chẳng hề cảm thấy tò mò về đoạn phim ở Uniqlo", bà Li chia sẻ.

Yếu tố lịch sử

Truyền thống và pháp luật khiến quan hệ tình dục trở thành điều cấm kỵ ở Trung Quốc. Bà Li cho rằng sự cấm đoán đạt đến cực điểm trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa, những năm 1960 và 1970. Thời điểm ấy, "quan hệ tình dục chỉ đơn thuần nhằm mục đích duy trì nòi giống, không bao giờ có khái niệm hưởng thụ", theo bà Li.

Trong những năm 1980, nhiều người bị kết án tử hình vì tổ chức các bữa tiệc tình dục tập thể hoặc bán sản phẩm, ấn phẩm khiêu dâm. Mãi tới năm 1997 những áp bức tình dục mới được gỡ bỏ ở Trung Quốc. Từ đó, nước này như trải qua một cuộc giải phóng về tình dục. Hơn 70% người dân Trung Quốc quan hệ tình dục trước hôn nhân, bà Li dẫn một cuộc khảo sát gần đây.

Sự phân biệt nam nữ?

Ngày nay, nhiều quan niệm truyền thống về tình dục vẫn còn tồn tại. Nhà hoạt động nữ quyền Zheng Chura tin rằng cô gái trong đoạn video ở Uniqlo là nạn nhân lớn nhất trong vụ việc.

"Bất cứ khi nào có bê bối tình dục, dư luận hoặc cho rằng người phụ nữ thật đáng khinh hoặc nói cô ta là kẻ dâm đãng", Zheng nói.

Rất ít người lên án người đàn ông trong video, thậm chí anh ta còn được xem là dũng cảm hay mạnh mẽ. Zheng liên tưởng vụ việc trên với hậu quả tương tự để lại từ bê bối của ngôi sao Trần Quán Hy. Các cô gái ngủ với anh ta bị chỉ trích mạnh mẽ hơn bản thân ngôi sao này.

"Về cơ bản đó là một xã hội gia trưởng nơi người đàn ông có thể tận hưởng dục vọng trong khi phụ nữ thì không. Sự phân biệt đối xử đó đã tồn tại hàng ngàn năm nay", bà Li kết luận.

Tuấn Vũ (theo CNN )

Theo vnexpress.net