Các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An đang gấp rút triển khai kế hoạch chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu hiện là 1,37 m; sông Hậu ở Châu Đốc đạt 1,43 m. Dự báo đến ngày 24/7 mực nước ở hai địa phương này đều lên 1,47 m. Thời điểm lũ về lần này được cho là sớm hơn mọi năm.

"Nước lũ từ thượng nguồn đã đổ về vùng đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long nhiều ngày qua. Dự báo cuối tháng 7, lũ sẽ về nhiều và mạnh hơn", ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp - nói.

Gia co de bao vung dau nguon lu DBSCL Anh Cuu Long
Người dân vùng đầu nguồn gia cố đê bao chống lũ. Ảnh: Cửu Long.

Hiện, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An... gấp rút triển khai kế hoạch phòng chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hoa màu của người dân.

Theo đó, người dân ở những vùng có đê bao khép kín, an toàn, có cao trình cao hơn đỉnh lũ năm 2000 và 2011 chỉ được gieo xạ lúa vụ 3 (thu đông). Đồng thời, tổ chức xả lũ vào đồng ruộng để đón phù sa, diệt trừ sâu bệnh đối với những vùng sản xuất lúa liên tục nhiều năm liền.

Ông Nguyễn Văn Buông - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - cho biết, địa phương đã thống nhất với người dân, mùa lũ năm nay sẽ mở đê bao cho nước vào cánh đồng 3.200 ha ở ba xã cù lao Long - Phú - Thuận. Do cánh đồng này 3 năm liền chưa được xả lũ.

Con lu nam 2011 lam vo nhieu tuyen de gay thiet hai lon cho nguoi dan DBSCL Anh Cuu Long
Trận lũ năm 2011 làm vỡ nhiều tuyến đê, gây thiệt hại lớn cho người dân miền Tây. Ảnh: Cửu Long.

Trước đó, mùa lũ năm 2011 đã làm hàng chục người ở Đồng bằng sông Cửu Long  chết đuối, phá hủy 250.000 m đê bao, đường tỉnh lộ và quốc lộ hư hỏng... Nghiêm trọng hơn, trận lũ lịch sử năm 2000 làm hàng trăm người chết, hàng trăm nghìn căn nhà, phòng học, cơ sở y tế... bị sập.

Cửu Long

Theo vnexpress.net