Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, chuyến về thăm quê hương Kenya lần này của Tổng thống Mỹ còn hứa hẹn góp phần phá vỡ những rào cản trong mối quan hệ hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Kenya vào năm 2006. Ảnh: Reuters
Trong lần đầu tiên trở về quê cha ở Kenya, người thanh niên Barack Obama khi đó hy vọng chuyến đi sẽ giúp ông lấp đầy "khoảng trống lớn" nơi tâm hồn, để biết được mình là ai và đang đứng ở đâu trên thế giới này. Ông được cô và chị gái cùng cha khác mẹ ra tận sân bay đón. "Chào mừng về nhà" là câu đầu tiên ông nghe khi vừa bước chân xuống máy bay. Cả ba cùng lên một chiếc xe cũ đến nỗi ống xả của nó rơi ra trên đường họ trở về thủ đô Nairobi. Khi người cô đi làm, bà không quên dặn cháu trai mình cố gắng "đừng để lạc lần nữa".
28 năm sau, ông Obama lại lên đường về quê nhưng lần này với cương vị mới: tổng thống Mỹ. Đi cùng ông là đoàn tùy tùng lên tới hàng trăm người với những chiếc xe sang trọng, trang bị cả kính chống đạn.
Nhiều ý nghĩa
Chuyến công du tuần này đến Kenya, sau đó dừng chân ở Ethiopia, đánh dấu lần thứ 4 ông Obama tới thăm khu vực châu Phi hạ Sahara. Tổng thống Mỹ kỳ vọng chuyến công du sẽ giúp ông đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực mang điện, an ninh và dân chủ tới châu Phi.
"Tôi tự tin cho rằng thành tích mà ông Obama đạt được ở châu Phi sẽ không chỉ bắt kịp mà còn vượt qua cả người đi trước", bà Susan E. Rice, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, hôm 22/7 cho biết, đề cập tới chương trình điện khí hóa châu Phi Power Africa và chương trình viện trợ lương thực Feed the Future mà ông Obama đang thực hiện.
Nhưng những sáng kiến của tổng thống vấp phải khá nhiều trở ngại. Chương trình Power Africa, khởi động từ năm 2013, đến nay chưa thể đem điện tới châu Phi như lời ông hứa hai năm trước.
"Kenya hẳn nhiên là có một vai trò đặc biệt đối với ông ấy", David Axelrod, cựu cố vấn của Tổng thống Obama, nhận định. "Tôi nghĩ ông ấy cũng biết mình đại diện cho những giá trị gì ở đó".
Bill Burton, trợ lý cũ của tổng thống, thì cho rằng Kenya là yếu tố tạo nên bản sắc của ông Obama. Nếu từng đọc sách ông ấy viết thì bạn sẽ nhận ra rằng Kenya là một trong những nhân tố định hình "cách mà tổng thống nhìn nhận thế giới xung quanh cũng như mối quan hệ của ông với những người Mỹ khác", Burton nhận xét.
Theo lời Tổng thống Obama kể lại trong cuốn hồi ký đầu tay, ông lớn lên ở Hawaii, là con trai của Barack Hussein Obama cha, một sinh viên da màu người Kenya, và Stanley Ann Dunham, nhà nhân chủng học da trắng đến từ Kansas. Ông chưa bao giờ thực sự hiểu rõ về cha mình bởi hai người chỉ gặp nhau duy nhất một lần khi ông lên 10. Nhưng từ sâu thẳm bên trong, ông cảm nhận rõ nét mối liên kết với nguồn cội. Đây chính là động lực khiến ông trở về Kenya vào năm 1987.
Ông dành nhiều tuần ngủ trên ghế sô pha trong phòng khách tại nhà người chị cùng cha khác mẹ và gặp gỡ họ hàng. Ông tới thăm ngôi làng quê hương cha và gặp người vợ cuối cùng của ông nội. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm nhận được "sự thoải mái, kiên định và bản sắc", Tổng thống Obama viết.
Ông Obama tuần trước cho hay chuyến thăm Kenya lần này sẽ rất khác so với cách đây 28 năm, khi ông còn là một người trẻ mang bên mình nhiều câu hỏi lớn cần lời giải đáp.
"Đây chắc chắn là những gì tôi mong chờ", ông phát biểu trong một cuộc họp báo. "Trung thực mà nói, tới Kenya với tư cách một công dân bình thường có nhiều ý nghĩa với tôi hơn là trên cương vị một tổng thống, bởi khi đó tôi có thể thực sự tách khỏi các căn phòng khách sạn hay những trung tâm hội nghị. Công tác hậu cần cho tổng thống thì lúc nào cũng phức tạp. Nhưng chuyến đi này sẽ là một sự kiện mang tính biểu tượng quan trọng".
Hơn cả biểu tượng
Bức tranh vẽ chân dung ông Obama trên bức tường ở thủ đô Nairobi, Kenya. Ảnh: AP
Theo BBC , ông Obama có thể sẽ không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như lần tới Kenya vào năm 2006, lúc còn là thượng nghị sĩ. Nhưng sự hiện diện của ông tại quốc gia châu Phi này vẫn là một điều phi thường đối với giới lãnh đạo Kenya.
Về phía Mỹ, đây là cơ hội vàng để Washington xây dựng mối quan hệ hợp tác với Nairobi, trong bối cảnh những mối đe dọa về an ninh từ al-Shabab, nhóm Hồi giáo cực đoan ở Somali, buộc cả hai quốc gia phải xích lại gần nhau. Chuyến công du cũng là thời cơ để ông Obama tạo dựng di sản của mình trên mảnh đất quê hương.
Ngoài ra, Tổng thống Obama rõ ràng cũng đang cố gắng "xác định lại" mối quan hệ giữa Mỹ với Kenya sau nhiều lần gặp trở ngại về ngoại giao.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta từng bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan, cáo buộc gian lận kết quả trong cuộc bầu cử hồi năm 2008. Đặc phái viên tổng thống Mỹ năm 2013 cảnh báo tổng thống Kenya khi ông này thực hiện chiến dịch tranh cử rằng sẽ có những hệ quả không hay xảy ra nếu ông Kenyatta từ chối làm rõ những ngờ vực trong quá khứ. Vài tháng sau, ông Obama bỏ qua Kenya trong chuyến công du một loạt nước châu Phi. Động thái này được xem như sự đả kích lớn đối với Kenya. Từ đây, một làn sóng chống phương Tây hình thành ở Kenya, khiến những nỗ lực ngoại giao giữa hai nước giậm chân tại chỗ.
Nhưng những lời buộc tội đối với ông Kenyatta đã được xóa bỏ, đồng nghĩa với việc mối bang giao hứa hẹn sẽ có những bước khởi sắc, theo BBC .
Các cuộc thảo luận xung quanh nỗ lực hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố luôn là vấn đề mà quốc tế chú ý theo dõi. Đây cũng được dự đoán là chủ đề trọng tâm trong chuyến thăm Kenya của Tổng thống Obama. Ông Kenyatta cho hay "cuộc chiến chống khủng bố sẽ là điểm mấu chốt" trong đối thoại song phương, đồng thời nhấn mạnh rằng Kenya "đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan của Mỹ" và hy vọng có thể "củng cố" mối quan hệ thông qua chuyến làm việc lần này.
Ông Peter Alling'o từ Học viện An ninh ở Nairobi tin rằng Mỹ đang tìm kiếm cơ hội để nối lại mối quan hệ gần gũi với Kenya nhằm giành lấy một chỗ đứng vững chắc hơn trên bản đồ an ninh khu vực để chống lại các cuộc tấn công của nhóm khủng bố al-Shabab.
Kenya mặt khác có thể tiếp tục nhận những hỗ trợ của Mỹ trong các lĩnh vực quân sự, đào tạo hay mua bán trang thiết bị, ông Alling'o nhận định. Đổi lại, Mỹ sẽ nhân cơ hội này "tham gia sâu hơn vào các dịch vụ tình báo của Kenya" bằng cách tạo sự tin tưởng lẫn nhau.
Tuy nhiên, bình luận viên Karen Allen từ BBC cho rằng mối quan hệ giữa hai nước hiện nay còn tương đối nhạy cảm. Vì thế, ông Obama cần hành động cẩn trọng.
Hành trình tới châu Phi của tổng thống có lẽ sẽ không thể tạo ra được hết những lợi ích mà ông Obama kỳ vọng nhưng khi một lãnh đạo hàng đầu thế giới trở về với cội nguồn khiêm tốn của mình, ý nghĩa biểu tượng của thời khắc đó vượt qua mọi giá trị chính trị thông thường, theo NYT .
Vũ Hoàng
Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: y nghia bieu tuong, kenya lan, tong thong my, chuyen tham kenya, kenya vao nam, lan dau tien tro, giup ong, cha khac me, thu do nairobi, ong obama, chuyen cong du, ma ong obama, chau phi, doi voi ong, tong thong obama, tong thong thi, rang kenya, ong cam nhan, nhan duoc su, nhieu y nghia, tong thong, lai moi quan he, moi quan he giua, tong thong kenya, co nhung, giua hai nuoc,
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo