“Việc này không thể nào làm được! Một dự án cần giải tỏa vài trăm căn, vài ngàn căn đã khó, nhưng giờ giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố thì đây là điều không tưởng!”, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố thì đây là điều không tưởng, ông Trần Du Lịch nói - Ảnh sân bay Tân Sơn Nhất: Đào Ngọc Thạch
Ngày 30.6, Tổ đại biểu quốc hội (ĐBQH) đơn vị 1 có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch và ông Hoàng Hữu Phước, thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, tiếp xúc cử tri Q.4, TP.HCM, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII và lắng nghe kiến nghị của cử tri thành phố. Tại buổi tiếp xúc, có ý kiến cử tri đề nghị mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thay vì xây mới sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Tiếp thu ý kiến của cử tri, ông Trần Du Lịch thông tin: Quốc hội trong kỳ họp vừa qua đã bấm nút thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành; việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là vô phương.
Theo ông Lịch, trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu (trong đó có ông Lịch) đi khảo sát, kiểm tra kỹ lưỡng thực tế sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) và thực địa nơi sẽ xây dựng sân bay Long Thành.
Sau khi kiểm tra, khảo sát, đoàn khẳng định, sân bay Tân Sơn Nhất không có khả năng mở rộng như một số ý kiến trước đó đề nghị (là mở rộng - PV).
Kinh phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhát sẽ vô cùng lớn và nếu có tiền cũng không làm được vì làm xáo trộn rất lớn đến đời sống người dân, ông Trần Du Lịch cho biết - Ảnh sân bay Tân Sơn Nhất: Đào Ngọc Thạch
Thực tế hiện nay, 2 đường băng lên - xuống quá gần nhau (thiết kế xây dựng từ trước 1975), chỉ cách nhau 345m, máy bay không cùng lúc cất - hạ cánh được. Trong khi đó, quy định của hàng không dân dụng quốc tế tối thiểu phải cách 1.050m.
Nếu buộc phải mở rộng, thì chỉ có thể mở rộng về phía bắc, kéo dài từ khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình) sang đường Quang Trung (quận Gò Vấp). Nhưng đây là điều vô phương vì phải giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố.
“Việc này không thể nào làm được. Một dự án cần giải tỏa vài trăm căn, vài ngàn căn đã khó, nhưng giờ giải tỏa đến 140.000 căn nhà kiên cố thì đây là điều không tưởng. Kinh phí sẽ vô cùng lớn và nếu có tiền cũng không làm được vì làm xáo trộn rất lớn đến đời sống người dân”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, trong tình huống mở rộng được về phía bắc, thì đường bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất “xung đột” với đường bay của máy bay quân sự tại sân bay Biên Hòa.
Nếu mở rộng về phía Tây, thì khi hạ cánh phải bay sang không phận Campuchia. Đây cũng là vấn đề nan giải. Ông Lịch cho rằng, kết quả khảo sát cho thấy đất làm nhà ga trong sân bay Tân Sơn Nhất thì rất nhiều nhưng việc mở rộng nhà ga cũng không phát huy hiệu quả, vì công suất đường băng hạn chế. Tối đa mỗi năm chỉ đón khoảng 25 triệu lượt hành khách. Nếu yêu cầu tăng lên 40 triệu lượt hành khách trong một vài năm tới là bất khả kháng.
Ông Trần Du Lịch cho rằng, không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được nữa - Ảnh sân bay Tân Sơn Nhất: Đào Ngọc Thạch
Đối với sân bay quân sự Biên Hòa, đường băng cất - hạ cánh cũng hẹp, hạ tầng, cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều nên cũng không thể tận dụng để khai thác dân dụng được. Sân bay này chỉ phục vụ hoạt động quân sự. Theo ông Lịch, xây dựng sân bay Long Thành là chiến lược. Vấn đề còn lại là việc triển khai dự án này ra làm sao để không tăng thêm nợ công, không để xảy ra thanh nhũng, lãng phí.
“Có ý kiến lo lắng cho rằng vẽ ra dự án này để tham nhũng, lãng phí, thất thoát. Để tránh chuyện này, Quốc hội sẽ giám sát từng bước triển khai dự án. Vì thế bà con cử tri cứ yên tâm”, ông Lịch nói.
Theo www.thanhnien.com.vn
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo