Khi một trường đại học Ấn Độ bán một cỗ máy cho những người gom phế liệu, họ chỉ nghĩ đã bỏ đi thiết bị chiếu xạ không dùng đến suốt 25 năm. Điều họ không ngờ tới là thương vụ gây chết người năm 2010 trở thành một trong những vụ rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất nước này. 

daihoc58281428381010png
Đại học Delhi ở Ấn Độ. Ảnh: DU

Cuộc đấu giá của Đại học Delhi hồi tháng 2/2010 dẫn đến một trong những vụ rò rỉ phóng xạ tồi tệ nhất Ấn Độ, sau khi máy chiếu xạ Gamma được bán với giá 150.000 rupee (hơn 2.400 USD). 8 người, trong đó có người mua máy, bị phơi nhiễm phóng xạ.

Những công nhân xử lý phế liệu tại tiệm ở khu vực Mayapuri, New Delhi đã tháo dỡ máy mà không dùng thiết bị bảo hộ. Sau khi phá tấm vỏ bằng chì, họ bị phơi nhiễm phóng xạ. Người chạm vào thanh phóng xạ hình bút chì bị phơi nhiễm nặng nhất và qua đời sau đó tại bệnh viện. 

Máy chiếu xạ Gamma được dùng để khử trùng, khử độc. Nó chứa chất phóng xạ Coban-60 có độ nguy hiểm cao. Đại học Delhi hồi năm 1968 nhập nguồn phóng xạ chứa Coban-60 từ Canada cho khoa hóa học, nhưng nó không còn được sử dụng từ năm 1985. 

"Đó là một sai lầm. Chúng tôi đáng lẽ phải cẩn thận hơn rất nhiều", Deepak Pental, lãnh đạo trường đại học, cho biết và xin lỗi về thiệt hại gây ra. "Vụ việc không may thể hiện sự yếu kém của chúng tôi, cho thấy chúng tôi không tổ chức tốt, dù là một trong những đại học hàng đầu ở Ấn Độ", ông nói thêm. 

Ông Pental cũng cho hay các cán bộ trường tin rằng tuổi thọ phóng xạ của cỗ máy đã hết hạn bởi nó đã gần 40 năm tuổi. Tuy nhiên, máy chiếu xạ được lưu trữ trong một phòng đặc biệt được đánh dấu "gamma cell". Theo cơ quan về quản lý năng lượng nguyên tử Ấn Độ (AERB), đây là bằng chứng cho thấy trường biết thiết bị có khả năng gây nguy hiểm và cần được giám sát kỹ lưỡng trong mọi thời điểm. 

Trong thông báo hôm 28/4/2010, AERB cho rằng trường đại học "vi phạm nghiêm trọng" các quy tắc, trong đó cấm loại bỏ thiết bị phóng xạ mà chưa có sự cho phép của AERB. Cơ quan yêu cầu trường ngừng nghiên cứu liên quan đến các nguồn phóng xạ cho tới khi nhận được lời giải thích về nguyên nhân vụ việc. 

Bộ trưởng Giáo dục Kapil Sibal yêu cầu mở cuộc điều tra và lệnh cho Bộ lập tức đưa ra những chỉ dẫn mới về việc thu mua, vận chuyển, lưu trữ và loại bỏ tất cả các vật liệu độc hại, như hoá chất và chất phóng xạ, do các nghiên cứu sinh đại học sử dụng.

Bộ trưởng Khoa học Prithviraj Chavan hôm 20/4/2010 nói với quốc hội rằng các máy quét hàng sẽ được thiết lập tại 12 cảng lớn, nhằm ngăn việc xuất khẩu vật liệu phóng xạ cũng như nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép. 

Theo DNA India , vụ việc của Đại học Delhi nằm trong số 16 vụ vật liệu phóng xạ bị đánh cắp, mất tích hoặc đặt không đúng chỗ ở Ấn Độ trong vòng 10 năm, tính đến 2010. 

Hồi tháng 8/2009, một thiết bị chụp X-quang công nghiệp chứa vật liệu phóng xạ hoạt độ 2,6 Curie rơi khỏi một chiếc xe gần thành phố Pune, khi đang được vận chuyển. Các trẻ em nhặt được thiết bị và mang về làng, nhưng không thể mở nó, và AERB sau đó thu hồi nó trong tình trạng nguyên vẹn. 

Theo Nature , vụ việc của Đại học Delhi cho thấy việc tuân thủ xử lý chất thải lỏng lẻo ở Ấn Độ, khi nước này đang hướng tới mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân, và khi nguy cơ về chủ nghĩa khủng bố hạt nhân tiếp tục là một mối quan ngại. 

Cách xử lý Cobalt-60 tại nhà máy điện hạt nhân Rajasthan, Ấn Độ

Trọng Giáp  (Video: NDTV )

Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: truong dai hoc,