Khi chiếc máy bay vận tải C-5 Galaxy đâm vào một con đê và lao xuống đồng lúa ở Sài Gòn 40 năm trước, cơ phó Tilford Harp cùng hai đồng nghiệp đã nghĩ rằng tất cả sẽ chết. 

c528571428310479jpg
Chiếc máy bay C-5 vỡ thàng 4 mảnh trên cánh đồng ở gần sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh:  Peter Alanl Loyd

Ông Harp, cơ trưởng Keith Malone và phi công vừa tốt nghiệp Dennis Traynor là những thành viên tổ bay trên chiếc C-5 chở hơn 300 người rời khỏi Sài Gòn ngày 4/4/1975.

Khi đó, ông Malone đang cầm lái và ngồi giữa hai đồng nghiệp thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Chiếc C-5 trượt dài dọc một cánh đồng lúa nhưng cả ba người ban đầu tin rằng họ sẽ sống sót và máy bay sẽ nguyên vẹn. "Chúng tôi sẽ làm được điều đó", ông Malone nói trên hệ thống liên lạc.  

Tuy nhiên, chiếc C-5 đâm vào một con đê cao gần 2,5 m, bật ngược lên không trung, lảo đảo trên sông Sài Gòn trước khi lao xuống đất vỡ tung và bốc cháy. 

"Tất cả chúng tôi nghĩ rằng mình đã chết", ông Harp nói trong một bài phỏng vấn trên tờ Daily Republic năm 1995, 20 năm sau vụ tai nạn. "Điều quan trọng thực sự là chúng tôi đã rất may mắn".

Chuyến bay định mệnh

Tháng 4 năm đó, khi Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam đang áp sát Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã ra lệnh cho máy bay của Bộ Chỉ huy Không vận Quân sự đến một trong những sân bay cuối cùng ở Sài Gòn để di tản công dân và những người Việt thân Mỹ.

Trong số đó có hàng nghìn trẻ được cho là mồ côi Việt Nam hoặc con lai, từ sơ sinh cho đến vài tuổi. Các em bị đưa đi khỏi đất nước trên những chuyến bay mang tên "Chiến dịch Không vận Trẻ em".

Chiến dịch diễn ra từ ngày 4/4 đến 7/5/1975, liên quan đến 24 máy bay của quân đội Mỹ cùng một số phi cơ được các tổ chức từ thiện tư nhân thuê chở. Gần 3.000 trẻ em đã bị đưa đi. 

Chiều 4/4, chiếc C-5 mang số hiệu 68-0218 mà ông Harp làm cơ phó thực hiện chuyến không vận đầu tiên trong chiến dịch. Ông Harp, người đã có kinh nghiệm 1.200 giờ bay, mô tả căn cứ không quân Tân Sơn Nhất lúc đó hỗn loạn, khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa sắp sụp đổ. 

Chiếc C-5 hạ cánh vào khoảng 15h, bốc dỡ pháo và sẵn sàng để chở trẻ em, cũng như đón đội ngũ y tế từ căn cứ không quân Clark ở Philippines đến hỗ trợ các em nhỏ.

Phi hành đoàn và các nhân viên y tế tạo đứng thành hàng dài, đưa từng em qua cửa, lên cầu thang và vào bên trong khoang binh sĩ. 

"Các thanh kê tay đã được tháo bỏ nên chúng tôi có thể đặt hai em trên một ghế, 6 em một hàng. Chúng tôi đã cố gắng để đưa gần hết các em nhỏ lên tầng trên và các em lớn tuổi hơn ở tầng dưới", y tá chuyến bay Regina Aune kể lại trong một cuộc phỏng vấn sau đó.

Máy bay cất cánh với 229 trẻ em và 85 nhân viên y tế cùng tổ bay. Hầu hết trẻ em ở trong khoang binh sĩ, phần còn lại phải ngồi dưới khoang hàng hóa. 

Malone, một phi công vừa hoàn thành khóa huấn luyện lái C-5, được chỉ định tham gia chuyến bay để có cơ hội làm quen nhiều hơn với hoạt động của phi cơ. Vì thế, ông ngồi giữa Harp và Traynor.

"Điều đó đã cứu mạng tôi, nếu không, tôi sẽ ngồi dưới khoang hàng hóa", Malone nói.

Thảm họa

c5b15091428310479jpg
Hiện trường tan hoang của vụ tai nạn. Ảnh:  Peter Alanl Loyd

Thảm họa ập đến khi ba ổ khóa giữ thang máy bay lại không được khóa, khiến nó trở nên lỏng lẻo. Điều này đã khiến cửa áp suất bị bung khỏi chiếc C-5 ở độ cao hơn 7.000 m.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự cố là "một tiếng nổ lớn và buồng lái mờ đi", ông Malone kể. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi cửa áp suất va đập vào thân máy bay, phá vỡ nhiều bộ phận quan trọng. Khoang hàng hóa báo cáo rằng "cả phần sau của máy bay đã bị rời ra" và các dây cáp bị đứt lủng lẳng như mỳ Ý". 

"Chúng tôi chỉ có thể điều khiển máy bay", ông Harp nói.

Traynor vật lộn để đưa máy bay quay đầu và hạ độ cao từ từ trong khi Harp thu thập thông tin về tình trạng của C-5. Tuy nhiên, máy bay đã lao xuống nhanh chóng. Sau đó, họ cố gắng đưa máy bay lên cao và điều khiển được phi cơ quay đầu về Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, các phi công nhận ra là họ không thể chạm tới đường băng và cố gắng hạ cánh xuống một cánh đồng. Máy bay lao vào một đầm lầy cách đường băng hơn 3 km, rồi đâm vào đê, bật ngược lại lên không trung và băng qua sông Sài Gòn.

Cuối cùng, nó đâm xuống mặt đất, trượt dài hơn 300 m, trước khi dừng lại ở một cánh đồng lúa và vỡ thành 4 mảnh: đuôi, khoang bay, khoang binh sĩ và cánh. 

"Chúng tôi mất toàn bộ điện. Khoang bay rất rất tối vì bùn bao phủ kính chắn gió và chúng tôi có thể cảm thấy mình đang trượt đi", ông Harp kể. 

Ông không nhận ra buồng lái đã bị lộn ngược cho đến khi mở dây an toàn và ngã ra ngoài. Những người sống sót trong khoang thoát ra ngoài qua cửa sổ phía phi công. 

Malone nhìn sang bên phải và chẳng thấy gì nhiều ngoại trừ xác máy bay đang bốc cháy. Ông đi quanh mũi chiếc C-5 và ngạc nhiên khi phát hiện ra khoang binh sĩ vẫn còn nguyên vẹn. Các phi công sau đó nhanh chóng giải cứu những người sống sót rải rác trong đống đổ nát.

Các y tá như bà Aune, người bị gãy chân, loạng choạng bước ra từ khoang binh sĩ và bắt đầu bế những đứa trẻ giao cho họ. Aune trao tay những em bé cho đến khi bà gần như ngã khuỵu xuống. Y tá Harriet Goffinett, một tay không cử động được vì gãy xương, bế các em nhỏ trên hông.

c5c12161428310479jpg
Những đứa trẻ may mắn sống sót trong tai nạn. Ảnh: Peter Alanl Loyd

Trực thăng cứu hộ có mặt sau đó 5 phút. Bất chấp những nỗ lực của phi hành đoàn, 138 người, trong đó có 78 trẻ em Việt Nam, đã thiệt mạng. 176 người, trong đó có 150 trẻ em mồ côi, may mắn sống sót.

Sau vụ tai nạn, Không quân Mỹ vẫn tiếp tục chiến dịch không vận. Tổ bay và các nhân viên y tế được ca ngợi là những anh hùng vì vừa cứu máy bay vừa cứu các nạn nhân.

Trong nhiều năm sau đó, C-5 bị hạn chế chở khách ở khoang hàng hóa. Các vị trí điều khiển chuyến bay và các đường ống thủy lực được thay đổi. 

Cả Harp và Malone sau đó cũng trở lại công việc của mình. Malone nghỉ hưu năm 1993 ở cấp trung tá. Harp nghỉ hưu khi đang là phó chỉ huy của một máy bay chở dầu KC-135. 

Anh Ngọc

Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: may bay, dam vao mot con, sai gon, hai dong nghiep, phi cong vua, do ong malone, canh dong lua, len khong trung, song sai gon, ong harp noi, vu tai nan, chung toi da, may bay, bi dua di, chien dich khong van, can cu khong quan, chung toi co the, em nho, khoang binh si, ngoi duoi khoang hang hoa, khi ba, ap suat, may bay da, dua may bay, phi cong, khoang binh si, khi, nhung nguoi song sot, do c,