Sergei Amirkhanov dừng lại trước một chiếc máy màu cam tại ga tàu Kursky (Moscow, Nga) quét hộ chiếu, chụp ảnh và nhập số điện thoại. Sau vài phút, anh nhận được tin nhắn báo quay lại máy và rút số tiền cần vay.
Loại máy ATM đặc biệt này đã xuất hiện tại các nhà ga và trung tâm mua sắm trên khắp Moscow từ năm ngoái. Nó khá giống máy rút tiền thông thường, nhưng được thiết kế để nhận đăng ký vay và nhả tiền tại chỗ.
Đây là sản phẩm của tỷ phú Nga Oleg Boyko - người giàu lên nhờ kinh doanh máy đánh bạc. Khi Tổng thống Vladimir Putin cấm các hoạt động đánh bạc năm 2009, Boyko chuyển mảng kinh doanh này sang nước ngoài, nhưng vẫn kiểm soát nhiều công ty khác tại Nga. Một trong những khoản đầu tư của ông là 4finance và công ty con SMS Finance - chuyên kinh doanh các máy cho vay nhỏ.
Một chiếc máy cho vay tại ga Kursk tại Moscow (Nga). Ảnh: Bloomberg
Moscow hiện có khoảng 20 chiếc máy như thế này. Chúng cho phép khách hàng vay tối đa 15.000 rouble (241 USD) và phải hoàn trả trong vòng 20 ngày. Sau đó, lãi suất sẽ là 2% mỗi ngày, tương đương 730% mỗi năm. Điều này nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng một số người Nga vẫn sẵn sàng sử dụng khi cần tiền gấp.
Amirkhanov (37 tuổi) đã rút ra 3.000 rouble sau khi mất việc tại một công ty xây dựng. Anh cần tiền cho gia đình trong thời gian tìm việc mới mà ngân hàng lại chẳng cho vay. "Tôi có thẻ ngân hàng chứ, nhưng số dư bằng 0. Tôi tuyệt vọng rồi", anh nói.
Căng thẳng với Ukraine đã khiến kinh tế Nga gặp nhiều bất lợi. Các công trình xây dựng bị đóng băng và làn sóng người tị nạn từ Ukraine càng khiến công cuộc tìm việc trở nên khó khăn.
Máy có tính năng quét hộ chiếu và chụp ảnh khách hàng. Ảnh: Bloomberg
Với rất nhiều người Nga, đây là cách duy nhất họ có thể vay tiền. Sau khi đồng rouble bắt đầu lao dốc cuối năm ngoái, các ngân hàng bị giảm điểm tín dụng nặng nề và rất khó vay từ quốc tế. Hậu quả là họ cũng chẳng còn nhiều tiền mặt để cho vay, và đành thắt chặt quy trình chấm điểm tín dụng cho khách để tránh nợ xấu. Việc này đã khiến tỷ phú sòng bài nhận thấy cơ hội trong thị trường cho vay tiêu dùng đầy rủi ro.
Khách hàng của dịch vụ này thường là những người có điểm tín dụng thấp, có vấn đề về việc làm hoặc kém hiểu biết về các lựa chọn tài chính, theo Olga Naydenova - nhà phân tích tại Tập đoàn tài chính BCS. "Lãi suất họ đưa ra quá cao. Ngoài ra, trong khi quy định dành cho các ngân hàng truyền thống rất chặt, thì yêu cầu vốn với doanh nghiệp tín dụng vi mô lại lỏng lẻo hơn nhiều", cô nói.
Kieran Donnelly - CEO 4finance cho biết quy định lỏng lẻo đã giúp các công ty tài chính vi mô cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho những khách hàng bị nhà băng bỏ qua. Công ty này cho vay tại nhiều nước châu Âu, chủ yếu qua website có thể truy cập từ máy tính hay điện thoại. Năm ngoái, hãng đã nhận được hơn 11 triệu lượt đăng ký vay và đã cho vay 831 triệu euro (944 triệu USD). Công ty này gần đây cũng đã tách riêng SMS Finance chi nhánh tại Nga để chuẩn bị làm IPO năm tới.
Sau khi nhận thấy rất nhiều khách hàng tiềm năng không thể truy cập Internet, hay không tin vào khả năng bảo mật thông tin, SMS Finance đã phát triển ý tưởng về các ATM và lắp đặt chiếc đầu tiên tại Moscow vào tháng 5/2014. Chúng chứa phần mềm có thể khớp ảnh chụp từ máy với ảnh trên hộ chiếu để xác minh danh tính khách hàng. Quá trình này giúp công ty đánh giá độ tin cậy của khách trong vòng 15 phút. Sắp tới, họ sẽ triển khai thử nghiệm tại Ba Lan và Tây Ban Nha.
Khi khoản vay đáo hạn, khách hàng có thể thanh toán tại một ngân hàng địa phương, một quầy điện tử, trả tiền trực tuyến hoặc thông qua các hệ thống thanh toán online như Qiwi hay Yandex.Money. Với những người cố tình lờ đi, hãng sẽ gửi email, tin nhắn và gọi điện thông báo. Khoảng 10% người vay đã vỡ nợ, nhưng công ty cũng đã thu về được 55% số nợ quá hạn, Donnelly cho biết. Còn với Boyko, rõ ràng việc kinh doanh này tốt hơn nhiều so với máy đánh bạc.
Hà Thu (theo Bloomberg)
Ghé Sushop để mua ủng hộ các sản phẩm của Blogsudo