Mỹ luôn khẳng định rõ ràng về chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương nên họ sẽ không thể thờ ơ với vấn đề an ninh khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Vấn đề Biển Đông đang và vẫn sẽ là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Đây là nhận định của PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân trí về quan hệ Việt - Mỹ nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước.

PGS TS Cu Chi Loi trong cuoc trao doi voi phong vien
PGS. TS. Cù Chí Lợi trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí

Mỹ sẽ can dự nhưng vẫn tính đến quan hệ với Trung Quốc Quan hệ Việt - Mỹ ngày càng trở nên khăng khít với những bước tiến lớn ở nhiều lĩnh vực hợp tác từ kinh tế đến an ninh quốc phòng? Liệu vấn đề Biển Đông có phải là yếu tố then chốt giúp hai nước xích lại gần nhau hơn?

Quan hệ Việt - Mỹ trong những năm gần đây phát triển rất nhanh, đặc biệt chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo động lực để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước.

Trong thời gian qua, hai bên đã chia sẻ về vấn đề an ninh khu vực, đồng thời cũng phối hợp với các quốc gia trong việc gìn giữ an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Đó là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua.

Tôi cho rằng, trong tương lai vấn đề về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, vẫn là một trong những yếu tố giúp duy trì và thúc đẩy quan hệ hai nước.

Mỹ giờ đây đã nhìn Việt Nam như một đối tác tiềm năng cả về an ninh và kinh tế và hai bên đang nỗ lực để gạt bỏ bất đồng, khác biệt cho hợp tác gắn bó, chặt chẽ và lâu dài hơn.

Căng thẳng Biển Đông vẫn tiếp tục leo thang. Là một nước lớn với chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương, nếu tình hình không có dấu hiệu hạ nhiệt, theo ông, Mỹ sẽ có những bước đi gì tiếp theo để giải quyết vấn đề? Biển Đông sẽ tác động thế nào đến quan hệ hai nước?

Mỹ có sự quan tâm rất lớn về sự thay đổi hiện nay ở Biển Đông dù họ có nhiều mối quan tâm khác, trong đó có quan hệ với Trung Quốc.

Về vấn đề Biển Đông, người Mỹ sẽ có can dự nhất định và gia tăng can dự như thông qua hỗ trợ các quốc gia trong khu vực nâng cao năng lực và có thể đưa ra các cơ chế đảm bảo an ninh nói chung. Việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương một phần cũng là cách để giúp Việt Nam nâng cao năng lực về an ninh quốc phòng.

Mỹ sẽ hỗ trợ tích cực hơn trong việc gia tăng sức ép với Trung Quốc với thông điệp rằng những việc làm trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa tới an ninh khu vực. Mỹ và các nước trong khu vực sẽ phối hợp để tạo ra một cơ chế nhằm cho Trung Quốc thấy rằng những việc làm này của họ không giúp họ đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên phải nói rằng, Mỹ cũng chỉ hỗ trợ ở một mức độ nhất định nào đó để làm sao tránh tạo sự khiêu khích cho phía Trung Quốc vì họ còn tính đến quan hệ với Trung Quốc, đó vẫn là một mối quan hệ rất căn bản.

Như ông vừa nói, Mỹ luôn phải cân nhắc yếu tố lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc? Liệu về khả năng trong tương lai do ràng buộc nào đó khiến phía Mỹ sẽ quay lưng với vấn đề Biển Đông?

Khả năng đó cũng không thể nói trước được, tôi cho rằng, điều này có thể xảy ra theo nghĩa, từ trước đến nay các quốc gia ưu tiên lợi ích của chính họ trước. Tuy nhiên, với Mỹ, theo tôi khả năng này là rất ít, ngoại trừ Mỹ-Trung đạt được thỏa thuận nào đó, trong đó, thống nhất rằng Mỹ không can dự vào Biển Đông và Trung Quốc không can dự vào khu vực nào đó mà Mỹ có lợi ích trong đó.

Mỹ luôn khẳng định rõ ràng về chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương nên họ không thể từ bỏ điều đó, ngoại trừ khi Trung Quốc có tuyên bố nào mềm dẻo hơn để Mỹ có thể giảm nhẹ mức độ can thiệp của họ hay Trung Quốc sẽ nhường cho Mỹ một lợi ích ở đâu đó.

Khó xảy ra đối đầu trực tiếp về quân sự

Với những diễn biến tiếp tục "nóng" trên Biển Đông, có một số ý kiến đề cập đến những cơ chế hợp tác để giúp ổn định an ninh khu vực này nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, ví dụ như một liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, hay tam giác liên minh "Việt-Mỹ-Nhật", ông có bình luận gì về điều này?

Do những giới hạn của Mỹ trong việc can dự vào khu vực và cũng có những khó khăn khác xuất phát từ phía Mỹ như về tài chính, về quân sự, nên Mỹ có thể sẽ thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên (tam giác) nhưng sẽ không ký kết một liên minh tam giác chính thức nào.

Họ muốn thúc đẩy quan hệ theo cơ chế hợp tác ba bên để làm sao gia tăng một cách tối đa vai trò của các nước trong khu vực nhằm đảm bảo an ninh khu vực. Mỹ cũng có thể sẽ tham gia một số tam giác hợp tác như Mỹ-Nhật-Việt hoặc tam giác Mỹ-Phillipines-Việt Nam để can dự vào khu vực nhiều hơn và hỗ trợ các nước này nhiều hơn nhưng trong điều kiện hiện nay họ không bao giờ muốn dùng đến từ liên minh cả, bởi liên minh hay đồng minh đều rất nhạy cảm, ám chỉ liên minh về quân sự.

Thế giới hiện nay không đi theo hướng liên minh, đồng minh nữa. Nếu đặt vấn đề đó, Mỹ có thể gặp sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, cho rằng đó là liên minh chống lại họ và từ đó làm cho tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn.

Nhưng nếu sau nhiều nỗ lực của Mỹ mà tình hình Biển Đông vẫn có chiều hướng xấu đi, ông nghĩ sao về khả năng Mỹ có thể cấm vận Trung Quốc như cấm vận Nga về vấn đề Ukraine?

Biển Đông và Ukraine là hai vấn đề khác nhau. Vấn đề của Ukraine rõ ràng hơn vì có sự xuất hiện vũ khí của Nga ở lãnh thổ Ukraine và Mỹ cho rằng có lính Nga ở trong miền Đông Ukraine. Vậy đây là can thiệp trực tiếp quân sự của Nga nên Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn và nhận được sự đồng tình của nhiều quốc gia châu Âu.

Còn về Biển Đông, từ trước đến nay, Mỹ coi Biển Đông là một khu vực tranh chấp cho nên Mỹ phản ứng khác với vấn đề Ukraine. Họ quan niệm rằng đó là vùng tranh chấp, các quốc gia phải ngồi lại với nhau để đàm phán.

Chỉ trừ khi Trung Quốc có những hành động thể hiện rõ ràng việc triển khai vũ khí, chẳng hạn như ngăn cản các tàu, các máy bay quân sự của Mỹ thực hiện nhiệm vụ trong khu vực quốc tế mà người Trung Quốc cho rằng là lãnh địa của họ, thì Mỹ mới thực hiện một cơ chế đối đầu lại tương ứng.

Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc sẽ không để xảy ra cuộc đối đầu về quân sự trên quy mô lớn mà họ cứ từng ngày bành trướng gặm nhấm nên rất khó cho Mỹ có thể can thiệp trực tiếp về mặt quân sự. Do vậy, khả năng xảy ra can thiệp trực tiếp về quân sự là khó xảy ra.

Không muốn chiến tranh nhưng phải chuẩn bị tốt cho chiến tranh

Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với nhiều diễn biến hết sức phức tạp với những lợi ích đan xen. Việt Nam muốn hợp tác phát triển với các nước mà không muốn phải lựa chọn giữa nước này, nước kia. Là một nước nhỏ, Việt Nam cần làm gì?

Chúng ta cần thận trọng trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để làm sao tránh sự hiểu lầm, tránh làm căng thẳng quan hệ, tuy nhiên vấn đề này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc vẫn có những hành động đè nén, ép buộc, bành trướng; khi đó, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có đối tác lớn để làm sao duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Việt Nam không muốn chiến tranh nhưng cũng phải chuẩn bị tốt cho chiến tranh thì chiến tranh mới không xảy ra. Việt Nam có thể quan hệ với đối tác nào đó như Mỹ, Nhật hay Ấn Độ... và nhiều nước khác... Chúng ta không muốn đẩy căng thẳng nhưng khi vào tình thế bắt buộc, không tránh khỏi của cuộc chơi thì chúng ta phải có cách đối phó.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, không hướng nhằm chống ai cho nên chúng ta hoàn toàn minh bạch trong chính sách của mình. Mục tiêu này là đường chỉ đỏ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Việt Nam đang tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, và có thể còn cởi mở hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để duy trì môi trường ổn định vững chắc cho khu vực.

Ông mong đợi điều gì nhất ở quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian tới?

Hợp tác về an ninh và kinh tế giữa hai quốc gia đang được kỳ vọng lớn và tôi cho rằng hai lĩnh vực này sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Nếu đàm phán TPP kết thúc, được quốc hội Mỹ thông qua, thì đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Về chính trị, hợp tác hai bên sẽ được đẩy mạnh sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp tới với những khác biệt hy vọng sẽ được xóa bỏ. Nếu Việt Nam cởi mở hơn và phía Mỹ sẵn sàng trao đổi thì cơ hội hợp tác sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ chính trị cũng cần phải có thời gian, và phía Việt Nam cũng cần phải thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa trên lĩnh vực kinh tế tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ. Về mặt chính trị, Việt Nam cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những cải cách và thực thi các cam kết, ví dụ như thực hiện Công ước chống tra tấn, chống buôn bán phụ nữ, chống sử dụng lao động trẻ em, mở rộng tự do ngôn luận,.... Những cải cách này sẽ có ảnh hưởng to lớn tới quan hệ song phương trong tương lai.

Còn đầu năm 2016, tân Tổng thống của Mỹ dù là Đảng Dân chủ hay Cộng hòa, tôi cho rằng, quan hệ Việt-Mỹ sẽ vẫn phát triển tốt đẹp. Còn lịch sử nước Mỹ cho thấy rằng, những tổng thống của Đảng Cộng hòa thường quan tâm nhiều hơn tới quan hệ quốc tế còn Đảng Dân chủ tập trung vào dân chủ nhân quyền hơn. Vì vậy, nếu Đảng Cộng hòa lên, họ sẽ can dự vào vấn đề khu vực nhiều hơn, tạo điều kiện cho quan hệ Việt-Mỹ phát triển mạnh mẽ hơn.

Nam Hằng ( thực hiện )