10 năm qua, TP HCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Dự kiến, bình quân mỗi năm, thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ.

Theo báo cáo của UBND TP HCM, chỉ trong 10 năm qua (từ năm 2005 đến nay), thành phố đã bỏ ra khoảng 24.300 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét, cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 9.000 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo UBND TP, các dự án này cũng chỉ mới thực hiện được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập nên hiệu quả chưa như mong muốn. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ vay của TP HCM đã hơn 25.100 tỷ đồng. Dự kiến trong năm năm tới, bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỷ đồng để chi trả nợ gốc và lãi vay các dự án trên địa bàn.

nuocngap19641378989076874144272550
Những năm qua TP HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để chống ngập, song chưa khả quan. Ảnh:  An ​Nhơn.

UBND TP cho biết, để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 (gồm lưu vực trung tâm thành phố, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc và Đông Nam), trong 5 năm tới, thành phố cần huy động khoảng 66.820 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải như nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; cải tạo rạch xuyên Tâm; Xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải; Xây 3 hồ điều tiết ở Thủ Đức, Tân Bình và quận 4...

Để có vốn để thực hiện các dự án này, phương án tài chính được TP HCM đưa ra là thành phố sẽ đầu tư 7.500 tỷ đồng từ ngân sách; vốn xã hội hóa là 15.885 tỷ đồng. Số còn lại, TP HCM kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ thành phố bằng các nguồn vốn ODA và vay từ ngân hàng nhà nước.

Trước đó, theo báo cáo của UBND, nguyên nhân khách quan dẫn đến ngập là do biến đổi khí hậu làm lượng mưa tăng cao và đỉnh triều cũng tăng đột biến. Bên cạnh đó, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn (trước năm 1975) chỉ đáp ứng quy mô dân số 2 triệu người, giờ dân số đã hơn 10 triệu người ….

Về chủ quan, UBND TP nhìn nhận, công tác quản lý còn hạn chế, công tác dự báo cũng chưa lường hết được về biến đổi khí hậu… Cụ thể, trước đây, theo thông số đầu vào để lập quy hoạch thoát nước, vũ lượng mưa tối đa trong ba giờ là 95,91 mm, đỉnh triều là 1,32 m. Thế nhưng do biến đổi khí hậu, trong những năm qua có nhiều trận mưa chỉ xảy ra trong 60 phút nhưng vũ lượng mưa đã đạt tới 100-122 mm và đỉnh triều đạt tới 1,68 m.

Hữu Nguyên

Theo vnexpress.net