Từ việc khách than phiền người dân mặc đồ ngủ đi tắm biển Đà Nẵng, tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất lập khu vực riêng dành cho khách mặc bikini.

Tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 vừa kết thúc, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, phản ánh du khách đến Đà Nẵng tỏ ra thích thú với việc tắm biển, bởi biển đẹp và chỉ tốn 3.000 đồng gửi xe. Tuy nhiên, nhiều du khách bày tỏ không hài lòng khi thấy một số phụ nữ mặc đồ ngủ đi tắm biển.

"Do đó tới đây các đơn vị du lịch sẽ làm khu vực riêng cho du khách mặc bikini tắm biển, nếu thông thoáng hơn thì tổ chức những show diễn bikini trên biển để tăng giá trị dịch vụ", ông Vinh đề xuất và băn khoăn có nên quy định phụ nữ đi tắm biển thì phải mặc bikini.

Phản đối đề xuất trên, đại biểu Nguyễn Đăng Hải thẳng thắn: "Chúng ta chưa giải quyết được bộ đồ ngủ, sao tính đến bikini". Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng việc quy định mặc bikini khi tắm biển là khó thực hiện.

Trao đổi lại với các đại biểu tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa cho rằng, đây chỉ là khuyến cáo chứ không thể bắt bà con phải mặc bikini khi tắm biển.

tam176341436520627jpg
Nhiều ý kiến trái chiều về việc mặc bikini đi tắm biển ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Bình luận về đề xuất của Giám đốc Sở Văn hóa Đà Nẵng, ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ) cho rằng, nếu trình độ dân trí cao và điều kiện kinh tế khá giả thì mặc bikini đi tắm biển nhìn đẹp mắt hơn. "Nhưng người dân mặc đồ gì đi tắm là quyền của họ. Ở Nam Mỹ người ta mặc gì ra tắm biển đều được. Ở Mexico người dân quen đi du lịch, điều kiện kinh tế tốt, họ đều mặc bikini", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, trước mắt Đà Nẵng nên khuyến khích người dân mặc bikini, quần sóc đi tắm biển chứ không nên đưa ra những quy định cứng nhắc. "Tôi về Việt Nam thấy trang phục của những người dân đi tắm biển có phần lộn xộn, ra biển nhưng không thực sự thấy thư giãn", ông Thắng nói và cho rằng có thể khoanh vùng mặc bikini, vùng mặc tự do, rồi từ từ chính người dân cảm nhận, chọn lựa trang phục của mình.

"Trước khi nghĩ đến việc đồng phục bikini, Đà Nẵng nên tách riêng khu chơi thể thao, khu chạy cano, giữ gìn vệ sinh biển", vị Việt kiều góp ý.

Trong khi đó nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, ông Nguyễn Thiếu Dũng (Đà Nẵng) đánh giá ý tưởng mặc bikini đi tắm biển là hướng tới chuẩn quốc tế, nhưng phải nhìn lại ở Việt Nam như thế nào. Muốn mặc bikini thì phải có người đạt tiêu chuẩn, đẹp, có da có thịt, còn nhiều người Việt mình chưa đủ tiêu chuẩn.

tam321581436520627jpg
Nhiều người cho rằng với điều kiện kinh tế, cũng như thuần phong mỹ tục thì việc người dân mặc trang phục như thế nào đi tắm biển là quyền của họ. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Người đẹp mặc bikini thì ai cũng muốn nhìn. Nhưng có những người không đủ tiêu chuẩn, giờ mặc bikini như bắt người khác phải nhìn thì cũng khó coi. Nhiều cô gái mới lớn thích đi tắm biển nhưng e lệ, không muốn phô trương cơ thể, muốn kín đáo theo nét truyền thống của người Á Đông thì không thể yêu cầu họ mặc bikini. Mình phải tôn trọng truyền thống đó", ông Dũng nói.

Theo nhà nghiên cứu này, việc du khách khó chịu khi phải nhìn những "bộ đồ ngủ" ở bãi biển chỉ là cá biệt. Khách Tây bây giờ đi du lịch thích nhìn nhà lá, cỏ cây, những người Việt thuần túy.

Ông Dũng cũng nêu ra thực trạng ở Đà Nẵng hiện tại không còn nhiều bãi tắm, do chính quyền quy hoạch đất ven biển cho các dự án, nên nếu khoanh vùng cho người mặc bikini thì dân không còn chỗ tắm. "Người dân mặc gì đi tắm biển là quyền của họ, mình chỉ yêu cầu họ sạch sẽ một chút. Mà theo tôi việc Đà Nẵng cần làm hơn bây giờ giữ gìn môi trường biển, làm những bãi tắm sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi thì tự nhiên du khách sẽ đến nhiều", ông Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Đông

Theo vnexpress.net
Từ khóa tìm kiếm: nguoi dan mac do, tai ky hop,