Rạng sáng 18/2, trời Đà Nẵng đổ mưa trước giờ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh. Người dân nơi ông chôn nhau cắt rốn tình nguyện ngày ngày thắp hương trên mộ ông.

11h, mưa vẫn lất phất. Hơn 2.000 người mang theo hoa huệ, băng rôn và ảnh của ông Nguyễn Bá Thanh lặng lẽ tập trung trước cổng nhà riêng của ông. Họ - người thân, bạn bè, bác xe thồ, xích lô, thanh thiếu niên một thời lầm lỗi, đàn ông từng bạo hành vợ hay những người ông Thanh chưa từng gặp mặt... đầy vẻ thành kính.

bt2-4561-1424237717.jpg
Hàng nghìn người đứng 2 bên đường nơi xe tang đi qua, tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh.

11h15, xe tang rời nhà riêng của ông Thanh. Hàng chục nghìn người đứng dọc đoạn đường khoảng 10 km dẫn đến nghĩa trang xã Hoà Tiến, nơi ông yên nghỉ, vẫy tay tiễn biệt. Họ tập trung đông nhất tại khu vực Cách Mạng Tháng 8 (nhà ông Thanh) rẽ vào đường Phạm Hùng, đến ngã ba Hoà Phước, ra quốc lộ 1 A dẫn lên xã Hoà Tiễn.

Thời điểm ông Thanh từ Mỹ về Đà Nẵng điều trị bệnh (tối 19/1), dòng người chen chân ở sân bay rồi kéo đến bệnh viện vẫy tay chào ông về với Đà Nẵng. Khi ông trút hơi thở cuối tại nhà riêng, họ lại chen chân, đội sương lạnh mong được nhìn thấy ông lần cuối. Lúc sinh thời, căn nhà của ông Nguyễn Bá Thanh - số 189 đường Cách Mạng Tháng Tám (Đà Nẵng) - là nơi ông thường mở rộng cửa tiếp những người dân.

bt4-9352-1424237718.jpg
Dòng người tiễn đưa ông Bá Thanh, người đã có công đưa Đà Nẵng lột xác đổi thay, mỗi lúc một đông.

"Nói được là làm được", ông Nguyễn Bá Thanh giải quyết nhiều vụ án oan sai, cấp nhà chung cư giúp những phụ nữ đơn thân, bỏ tiền túi hay thông qua Hội Bảo trợ phụ nữ nghèo và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng để người nghèo được chữa bệnh. Đến viếng với đôi chân dị tật, ông Lê Tấn Hoài (52 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) làm nghề bán vé số, không biết lấy gì phúng điếu nên bỏ 5 tấm vé số vào bì thư.

Vừa đặt chân xuống sân bay sau chuyến đi dài từ Mỹ, ông Trần Thắng - Việt kiều từng tặng hơn 100 bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam cho Đà Nẵng - lập tức đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh, dù chưa một lần gặp mặt. "Ông Thanh là người đầu tiên trong số các lãnh đạo ở Việt Nam 'bật đèn xanh' cho triển lãm những tấm bản đồ bằng chứng chủ quyền biển đảo này", ông Thắng nói.

MG-8596-1871-1424226367.jpg
Trong dòng người đến viếng, ông Đặng Minh Long (trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) mang theo vòng hoa có ảnh ông Bá Thanh cùng những dòng ông viết về vị nguyên bí thư Thành ủy đã góp công xây cầu để người dân không phải sống trong cảnh ngập úng. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào", lời nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết trong sổ tang khi chứng kiến hàng nghìn người đến thắp hương cho ông Bá Thanh trong lễ viếng. Còn chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: "Đà Nẵng bây giờ khác hẳn Đà Nẵng trước đây - văn minh, hiện đại hơn, đã được nhân dân trong nước và nhiều người nước ngoài biết đến. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Bá Thanh".

Những cây cầu bắc qua sông Hàn mãi còn đó, thương hiệu "5 không, 3 có" của Đà Nẵng sẽ còn được nhiều người biết đến. Và nhiều người đang cống hiến cho Đà Nẵng trong chính sách thu hút nhân tài sẽ còn nhớ ơn ông Nguyễn Bá Thanh. "Ông Thanh đâu chỉ lo cho người dân Đà Nẵng mà cho cả miền Trung, bằng chứng là việc kêu gọi nhà hảo tâm xây dựng bệnh viện Ung thư điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo", ông Đặng Công Ngữ, nguyên giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nói.

"Thư gửi ba" của Nguyễn Hoài An trên trang cá nhân viết vội như một lời tiễn biệt cha, người cô luôn lấy làm tự hào: "Ba hãy ra đi thanh thản nhé Ba/Như lời Ba nói với con vài tháng trước/Ba nói rằng Ba cũng không nuối tiếc/Đà Nẵng chừ đẹp, hai con cũng trưởng thành...", khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Hơn 3 nghìn lượt like và gần 400 lượt chia sẻ là tình cảm cộng đồng mạng gửi đến gia đình vị lãnh đạo đã giúp "lột xác" Đà Nẵng.

IMG-0231-2936-1424226368.jpg
Không ai cầm được nước mắt khi nhìn mặt ông Nguyễn Bá Thanh lần cuối. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Người dân có gì bức xúc, cứ gọi cho tôi", câu nói ấn tượng nhưng cũng khiến đôi lần ông Nguyễn Bá Thanh than phiền rằng "cả ngày cứ như tổng đài", sẽ là sự mong chờ của người dân vào những Nguyễn Bá Thanh trong tương lai. Lời ông căn dặn Đà Nẵng trong một kỳ họp HĐND "giữ cho người dân bình yên là trách nhiệm của chính quyền mà công an là công cụ đắc lực, phải thể hiện đi chứ không thể chờ ai cả" sẽ còn văng vẳng với một thành phố đang hướng đến "thành phố đáng sống nhất Việt Nam".

Tết này, người Đà Nẵng không bắn pháo hoa nhưng sẽ hát về ông Nguyễn Bá Thanh trong đêm giao thừa. Cầu Rồng cũng sẽ không phun lửa và nước như một sự tưởng nhớ người có công nối liền đôi bờ sông Hàn bằng những cây cầu kiến trúc độc đáo. Những tấm băng rôn được treo ở một vài con đường, hoa cúc vẫn còn tươi nguyên trên mộ ông, di ảnh ông trong nhà dân sẽ nghi ngút khói và những câu chuyện người dân kể về ông sẽ mãi còn...

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh từ trần lúc 13h ngày 13/2 sau một thời gian lâm bệnh rối loạn sinh tủy, hưởng dương 62 tuổi.

Trong vòng 17 năm, ông Thanh giữ các chức vụ bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Đà Nẵng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng.

Ông được an táng tại nghĩa trang gia tộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vào 12h45 ngày 18/2 (nhằm ngày 30 Tết).

Nguyễn Đông