Hàng trăm triệu người Trung Quốc đang ráo riết săn tìm phương tiện thích hợp để về quê ăn tết, trong cuộc di cư lớn nhất thế giới hàng năm, khiến hệ thống đường bộ và đường sắt nước này chịu sức ép ghê gớm.

Giới chức Trung Quốc ước tính có 2,8 tỷ chuyến đi sẽ được thực hiện trong đợt đầu năm âm lịch này.

Đường sắt là một trong những phương tiện được người Trung Quốc ưa chuộng. Công nghệ cao đang giúp họ phần nào tránh được cảnh xếp hàng rồng rắn ngày này qua ngày khác chờ mua vé tàu. Trang web bán vé tàu chính thức mang 12306.cn giúp giảm tải ở các điểm bán vé truyền thống, nhưng bản thân nó cũng là một điểm tắc nghẽn khổng lồ trên không gian mạng.

Người muốn đặt vé phải làm được một việc khó như đi trên sợi tóc. Một số người thậm chí còn viết lên mạng xã hội rằng đặt vé "khó hơn đến đảo Điếu Ngư" - nhắc đến tên quần đảo mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật, mà Tokyo gọi là Senkaku.

Thế nhưng cái khó ló caí khôn. Có nhiều người đã tìm được những chiến thuật luồn lách. Cô Kelly Gan, kế toán viên 27 tuổi, cho biết: "Tôi dùng một phần mềm đặc biệt giúp trang web refresh 5 giây một lần, cố kiếm cơ hội truy cập vào trang ngay khi có cơ hội. Tôi mất nguyên một ngày, từ lúc mở mắt ngủ dậy, và đến đêm thì đặt được".

Gan mua được vé từ Thượng Hải về Thành Đô, hành trình hơn 2.600 km và mất 39 giờ. Giá vé là 450 tệ, tương đương 72 USD, cho một giường cứng.

Ở Trung Quốc, vé tàu chỉ có thể được mua trước tối da 60 ngày, khiến tình hình càng trở nên khó khăn quanh thời gian cao điểm. Ngay khi công ty đường sắt tung ra, các vé được bán hết trong vòng vài phút. Trang web nói trên bắt đầu bán vé tàu Tết ngày 19/12, mỗi giây bán được 1.032 vé.

Phần mềm mà cô Gan dùng được một người viết phần mềm làm ra và cho miễn phí, nhưng nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cũng đã  tham gia và kiếm bộn từ dịch vụ này.

Đại gia Baidu phát triển một phần mềm giúp tăng tốc quá trình đặt vé và tránh tình cảnh bị cướp mất vé trong khoảng thời gian ngắn ngủi kể từ lúc giữ chỗ cho đến khi thanh toán xong - một trong những trải nghiệm thường khiến hành khách tức phát điên. Công ty cho biết ứng dụng trên đã được tải 18 triệu lượt, giúp hành khách mua 28 triệu vé tàu.

Một nhà phát triển phần mềm khác, LieBao, cho phép người dùng dùng tính năng chọn chỗ trước, và tự động gửi lệnh đặt chỗ ngay khi trang web bán vé mở cửa.

Trong xã hội Trung Quốc, bình đẳng được nêu cao là một tiêu chí quan trọng, nhưng trong cuộc chiến giành vé tàu này, bình đẳng có thể đã không đến được với những người "mù công nghệ", thường là lao động nhập cư nghèo.

Chị Guo Dengxiu, quê ở An Huy, lên Bắc Kinh làm nghề giúp việc, không hề biết sử dụng các tiện ích trên mạng, không mua được vé chính thức để  lên tàu. Chị được con trai mua cho một vé vớt để về quê, quãng đường 1.000 km.

"Con trai mua cho tôi một vé phụ", Guo nói. "Mà nếu không có chiếc vé này, tôi cũng bằng lòng đứng suốt 15 giờ trên tàu. Tôi phải về quê ăn Tết".

Ánh Dương (theo CTV)